Mô hình măng tre bát độ - hướng đi để thoát nghèo
- Thứ năm - 02/11/2017 09:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là người đầu tiên đưa giống măng này về trồng trên đất Kỳ Tây trong một lần về quê vợ ở Thái Nguyên, giờ đây gia đình ông đã có 1ha măng đang cho thu hoạch. Trong khi các hộ dân khác chỉ trồng một vài khóm măng để phục vụ trong gia đình thì ông Đỉnh lại nghĩ đến hướng trồng măng để thoát nghèo. Với ý nghĩ đó ông đã bắt tay vào sữa sang lại vườn đồi, tìm hiểu kỹ thuật trồng măng Bát Độ trên các sách báo và kinh nghiệm trồng của các hộ dân ở Thái Nguyên. Năm 2002 ông bắt đầu trồng những khóm măng đầu tiên, tuy nhiên lúc đầu ông cũng gặp rất nhiều khó khăn do măng khi mới trồng bị chết, ông phải trồng đi trồng lại nhiều lần.
Ban đầu ông chỉ trồng để lấy chồi nhân giống mở rộng diện tích, phần còn lại bán cho các hộ dân trong vùng và các vùng lân cận có nhu cầu trồng loại măng này. Sau khi mở rộng diện tích, từ năm 2009 gia đình ông bắt đầu chuyển sang kinh doanh măng làm thức ăn và bán ra thị trường. Thông thường mỗi khóm tre Bát Độ cho từ 15 – 20 chồi măng, mỗi chồi nặng từ 3 - 4kg, thời gian thu hoạch thường vào tháng 3 hàng năm và kéo dài đến tận tháng 10 - 11, nhiều nhất là vào mùa mưa, từ tháng 7 - 9. Mỗi ngày, gia đình ông Đỉnh thu hoạch được 1 tạ măng trên diện tích 1 ha. Sản phẩm măng chế biến bao gồm măng khô sợi nhỏ, măng muối, măng khô… được bán với giá từ 30.000 - 300.000 đồng/kg. Có khi vợ chồng ông đưa măng ra chợ bán hoặc thương lái đến tận vườn để thu mua sản phẩm măng đã chế biến và chưa chế biến. Ngoài ra, ông thường xuyên nhân giống bỏ mối cho các hộ kinh doanh loại giống cây này trên địa bàn và các vùng lân cận. Với sự nỗ lực và ý chí quyết tâm, gia đingh ông đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, bình quân mỗi năm, gia đình ông Đỉnh thu 200-250 triệu đồng từ trồng loại măng Bát Độ này.
Về kỹ thuật trồng tre măng Bát Độ không quá khó đối với nông dân, mỗi ha trồng 600 - 625 gốc từ độ cao 500m so với mặt nước biển trở xuống, vốn đầu tư ban đầu không lớn, tiền mua giống khoảng 3 triệu đ/ha, chủ yếu là công lao động. Thuộc họ tre, nứa nên tre măng Bát Độ dễ trồng không kén đất, chỉ trồng một lần khai thác được nhiều năm, năng suất trung bình mỗi ha 20 - 25 tấn, nếu hộ nào chịu khó chăm sóc và bón phân thì năng suất đạt 70 tấn/ha. Ông Đỉnh cho biết: trồng loại cây này không kén đất, không bị sâu bệnh, càng nắng to lại càng xanh mà kinh phí bỏ ra để trồng lại không nhiều, tuy nhiên, để có năng suất cao cần phải bón phân liên tục, nhất là sau các đợt thu hoạch.
Mô hình kinh tế vườn đồi rừng này của gia đình ông Đỉnh cũng được lãnh đạo xã Kỳ Tây đánh giá là mô hình phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo có hiệu quả, là bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
Theo Đặng Thị Thuận/sonongnghiep.hatinh.gov.vn