Người nuôi vịt trúng đậm

Người nuôi vịt trúng đậm
Đại dịch tả lợn châu Phi cuốn trôi hàng nghìn tỷ nhân dân tệ của người chăn nuôi lợn nhưng lại mở ra cơ hội cho dân nuôi vịt tại quốc gia trên 1,3 tỷ người.

Trên một cánh đồng rộng 30 ha thuộc vựa chăn nuôi gia cầm- tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) là một trang trại hơn 500 ngàn con vịt đẻ, vịt thịt chuyên cung cấp thực phẩm cho hàng ngàn căng- tin phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp trong vùng.

Thịt lợn khan hiếm và đắt đỏ buộc người dân phải chuyển sang thịt vịt.

Ông chủ của tập đoàn Shenghe Group, sở hữu trang trại này đang toan tính mở rộng thêm quy mô, với mục tiêu tăng sản lượng lên 30% trong năm nay để lấp vào khoảng trống nguồn cung thịt mênh mông do dịch tả lợn châu Phi (ASF) để lại.

Chủ tịch tập đoàn, Wang Shuhong cho hay, triển vọng thị trường thịt vịt đang rất tốt do thịt lợn ngày càng khan hiếm, đắt đỏ hơn. Hiện đang là cao điểm, Shenghe mỗi ngày bán ra khoảng 300.000 con vịt giống để cung cấp nguồn thịt cho thị trường.

Theo thống kê, số lợn bị tiêu hủy do ASF của Trung Quốc đã lên tới 25% tổng đàn cả nước, trong đó đàn nái sinh sản cũng bị giảm đàn tới gần một nửa trong đợt dịch bệnh kéo dài một năm qua.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của ngân hàng Hà Lan, Rabobank cho biết, sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc sẽ giảm ít nhất 30%, tương đương khoảng 16 triệu tấn và đẩy giá lên mức cao kỷ lục trong thời gian tới.

Hiện giá thịt gà đã làm sạch, bỏ đầu cánh đã cao hơn 20% so với năm ngoái, trong khi thịt vịt cùng loại cũng đã tăng gần gấp ba lần cùng kỳ, đạt xấp xỉ 14.600 tệ (2.125 USD) mỗi tấn, theo Shenghe.

Theo SCMP, hiện đàn vịt của Trung Quốc chiếm gần 80% tổng đàn vịt thế giới. Người dân nước này không chỉ khoái khẩu thịt lợn mà còn ưa thích cả thịt vịt, với những món đặc sản truyền thống nổi tiếng lâu nay như vịt quay, om, sốt, lẩu... Ngoài ra, những năm gần đây, thịt vịt còn được chế biến để phục vụ cho các suất ăn công nghiệp, trường học và quân đội ngày một nhiều hơn do lợi thế về giá so với thịt lợn, ước tính từ 20-30%.

Thị trường vịt giống tại Trung Quốc thời gian vừa qua cũng rất sôi động do nhu cầu vào đàn tăng mạnh. Hiện giá vịt con một ngày tuổi do công ty Shenghe bán dao động khoảng 6 nhân dân tệ, tăng gấp ba lần so với hồi tháng 7 năm ngoái khi chưa bùng phát ASF.

Một người chăn vịt ngủ quên bên trang trại ở ngoại ô thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.

Ông Dong Xiaobo, tổng giám đốc tập đoàn giống gia cầm Orvia của Pháp, nhà cung cấp vịt nuôi lớn thứ hai tại Trung Quốc dự báo, nhu cầu nuôi vịt sẽ tăng mạnh trong những ngày tới do cao điểm nắng nóng đã kết thúc.

“Nguồn hàng của Orvia hiện đã được khách hàng đặt mua hết từ cách nay sáu tháng. Họ là chủ các trang trại chăn nuôi lợn bị dịch tả hoành hành buộc phải chuyển đổi. Đây là điều tôi chưa từng thấy trong vòng 10 năm qua”, Dong nói.

Cơ quan xếp hạng Fitch dự báo, sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc sẽ còn thiếu hụt cho đến năm 2021. Trong khi đó, với tổng sản lượng khoảng 5 triệu tấn vào năm ngoái, chưa bằng một nửa sản lượng thịt gà ở nước này, thịt vịt vẫn còn rất nhiều khoảng trống để tăng trưởng.

Pan Chenjun, chuyên gia cao cấp tại Rabobank cho biết, hiện vịt có ít rào cản thị trường quốc tế hơn nhiều so với gà thịt do lợi thế đàn giống có sẵn.

Trong khi người chăn nuôi gà thịt phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn giống nhập khẩu, vốn bị hạn chế bởi lệnh cấm của chính phủ do lo ngại dịch cúm gia cầm chưa được dỡ bỏ. Chính vì vậy, dự báo tổng đàn vịt có thể mở rộng chừng 5% trong năm nay.

Người chăn nuôi vịt vẫn có thể nắm giữ một thị phần khá lớn trong thị trường thịt, cho tới khi sản lượng thịt lợn được phục hồi, dự báo lạc quan cũng phải mất ba năm nữa.

 
Theo Kim Long/nongnghiep.vn