Người thích đi ngược dòng

Ở vùng đất mà hầu hết người ta trở nên giàu có nhờ đi theo các loại cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su… thì gã trai sinh năm 1982 ấy lại “không đi lối này”. Anh chọn trồng loại cây ngắn ngày mà lại là thứ còn hết sức lạ lẫm với dân địa phương, đó là dưa lưới. Hơn thế, hình thức sản xuất mà anh chọn lại là hữu cơ, công nghệ cao, với mong mỏi “dân mình được ăn thực phẩm sạch”.
Mỗi tháng trừ chi phí, trang trại dưa lưới với quy mô 1ha của Lê Anh Đức cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng
Dấn bước với đam mê
 
“Mình đang tập làm ấy mà!”, Lê Anh Đức đã mở đầu câu chuyện như vậy. Tuy nhiên, với mức thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ trang trại trồng dưa lưới ở ấp 5, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước của anh, thì rõ ràng đó chỉ là lời khiêm tốn.
 
Ngoài ra, nhìn vào độ “bài bản” và khoa học trong cách xây dựng trang trại, có thể thấy rằng ở Lê Anh Đức có một sự thận trọng cần thiết chứ không phải làm liều, thiếu căn cứ.
 
Từng đậu cả ba trường đại học là Kinh tế, Nông lâm và Sư phạm. Tuy nhiên, Lê Anh Đức chọn học Nông lâm bởi suy nghĩ “Nhà nghèo, học Nông lâm sau không xin được việc làm thì cũng có thể làm vườn”.
 
Đức hiểu rằng, nông nghiệp ngày nay không thể gắn cùng con trâu hay cái cày. Xu thế tất yếu phải là nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Do đó, ngay từ năm 2 đại học, anh đã miệt mài theo chân các giảng viên để học cách pha chế chất dinh dưỡng cho cây trồng, nghiên cứu cây cần gì và thiếu gì trong từng giai đoạn phát triển khác nhau… “Đó là nền tảng cho thành quả hôm nay”, Đức bộc bạch.
 
Nỗi lo thất nghiệp của Lê Anh Đức đã không thành sự thật bởi khi ra trường, anh được nhận vào làm trong một nông trường cao su của nhà nước. Công việc ổn định, thế nhưng niềm đam mê với nông nghiệp sạch vẫn không ngừng thôi thúc.
 
Vậy là ngoài thời gian ở nông trường, anh lao vào tìm hiểu và thử nghiệm. Nhận thấy dưa lưới luôn có giá bán cao, cùng với đó trông lạ và đẹp mắt, Đức quyết định chọn trồng.
 
200 gốc dưa thử nghiệm ban đầu, chỉ cho thu về… 18 trái. Hơn nữa, lại nhạt phèo. Phía gia đình đã cản, tuy nhiên, “mình nghĩ thất bại chính là sắp thành công”, Đức nói. Anh rà soát lại sổ ghi chép hàng ngày trong quá trình chăm sóc dưa, cùng với đó tham khảo thêm các tài liệu từ nước ngoài.
 
Tìm ra được điểm thiếu sót của mình, vụ kế tiếp (thời điểm đầu 2016), Đức mạnh dạn… vay nợ để nâng số gốc dưa lên 1.500 (tương đương 600m2) và thành công ngoài mong đợi. Với 1,7 tấn dưa cùng giá bán tại vườn là 38 ngàn đồng/kg, anh thu về gần 70 triệu đồng, lợi nhuận đến 60% chỉ trong khoảng 3 tháng, trên một diện tích không lấy gì làm rộng.
 
Thu về được đồng nào, Đức lại tiếp tục đầu tư mở rộng thêm. Đến nay, trang trại dưa lưới của anh đã tròn 1 ha. Giữa cánh rừng cao su bạt ngàn, khu trang trại với công nghệ nhà lưới của Đức nổi lên, tựa như một điểm xuyết khá thú vị.
 
Các công nhân đang chăm sóc lứa dưa mới trồng khoảng 20 ngày tuổi.
Các công nhân đang chăm sóc lứa dưa mới trồng khoảng 20 ngày tuổi.
 
Chia sẻ để cùng phát triển
 
Cái cách làm nông nghiệp công nghệ cao của Đức cũng hơi khác người. Anh không bê nguyên xi một khuôn mẫu nào đó từ những nước có nền nông nghiệp phát triển hơn về áp dụng, mà sẽ rút tỉa những gì tối ưu nhất với phương châm tốt nhưng còn phải… rẻ.
 
Đó là lý do Đức sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel nhưng còn nhà lưới thì lại làm theo mô hình của Thái Lan. “1.000m2 nhà lưới nếu làm theo Israel sẽ tốn trên 500 triệu đồng. Trong khi đó, nếu làm như Thái Lan chỉ tốn khoảng 270 triệu mà sản phẩm làm ra lại cho chất lượng như nhau”, Đức cho biết.
 
Yếu tố đầu tư thấp trong nông nghiệp công nghệ cao sở dĩ được Đức chú trọng bởi anh còn có quan niệm sẽ không làm một mình. Anh muốn rằng, những nông dân khác nếu đam mê, có thể dễ dàng làm theo mô hình của mình chứ không phải chùn bước vì thiếu vốn. “Tâm lý mà, giá cao quá thì nhìn thôi họ đã ớn (ngại) rồi sao mà dám làm”, Đức nói.
 
Đến nay, Đức đã chuyển giao công nghệ làm nhà lưới, cũng như cách trồng và chăm sóc dưa lưới của mình cho 5 hộ dân trong tỉnh hoàn toàn miễn phí. Đức hồ hởi cho biết mình cũng đang trong quá trình chuyển giao cho 3 hộ khác nữa.
 
“Chỉ cần nông dân có đam mê, muốn làm thì mình sẽ chỉ cho hết chứ không giấu. Mình thấy rằng nền nông nghiệp của Thái Lan phát triển, là vì họ biết chia sẻ cùng nhau”, Đức nói. Đức cũng cho biết thêm, sở dĩ anh chưa dám chuyển giao cho người ngoài tỉnh vì lo đường xa, quán xuyến không xuể. “Lỡ có gì mình xử lý không kịp để hư hao thì tội cho họ”, anh nói.
 
Trước câu hỏi “Hướng dẫn cho nhiều người cùng làm như vậy, liệu có lo ngại một ngày sản phẩm cung vượt cầu?”, Đức vui vẻ mà rằng : “Làm thì ai cũng làm được. Nhưng bản thân mình chú trọng vào chất lượng. Một khi sản phẩm có chất lượng, có uy tín thì sẽ luôn có chỗ đứng.
 
Hơn nữa, thị trường cho dưa lưới hiện nay còn rất lớn”. Theo Đức, phía đối tác đang yêu cầu một ngày đến 3 tấn (hoàn toàn chỉ cho thị trường trong nước). Trong khi đó, hiện trang trại của anh và của những nông dân được anh chuyển giao công nghệ mới chỉ có thể cung ứng được 500 kg dưa lưới/ngày.
 
Hiện Đức đang ấp ủ dự định sẽ mở rộng quy mô trang trại của mình lên đến 10 ha. Tuy nhiên, “Kẹt nỗi mình đang thiếu vốn, thôi thì cứ làm từ từ, mỗi năm một ít”, Đức chia sẻ. Và đúng như tôn chỉ ban đầu là muốn người dân nước mình được ăn các sản phẩm sạch, Đức sẽ ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm làm ra, cả rau, củ và trái cây theo hướng công nghệ cao.
 
Đức cho biết mình cũng đã tung ra thị trường dưa chuột và nấm được trồng hữu cơ. Anh hết sức phấn khởi khoe rằng “không đủ bán”

Phúc Linh/nongthonviet.com