Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại Ba Vì
- Thứ bảy - 12/08/2017 22:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Sở NN&PTNN Hà Nội, hiện nay Thành phố đang phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư ứng dụng công nghệ cao gắn với quy hoạch chăn nuôi, vùng chuyên canh tập trung.
Trong đó, Hà Nội được biết đến như một địa phương tiên phong phát triển đàn bò siêu thịt F1 BBB (Blanc Blue Belge) cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi bò BBB được đưa vào nuôi thí điểm trên địa bàn Hà Nội từ năm 2012 tại 8 huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Chương Mỹ và Thạch Thất.
Từ năm 2012, Ba Vì là một trong những huyện tích cực triển khai dự án chăn nuôi bò BBB. Đây là giống bò thịt đặc biệt, có cơ bắp phát triển siêu trội.
Mô hình nuôi bò BBB tại khu chăn thả gia súc xã Tòng Bạt |
Thời điểm đầu, với 800 con bò BBB, đến nay tổng đàn bò BBB của xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) đã tăng lên 2.200 con, trong đó tổng số bê con sinh ra được 3.200 con. Với thuận lợi là xã có vùng bãi sông Đà, rất thuận lợi cho việc chăn thả gia súc, nên đàn bò của huyện sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo các hộ chăn nuôi bò BBB cho biết, hiệu quả chăn nuôi mang lại rất lớn, với mỗi bê con sinh ra đã có trọng lượng từ 28-32 kg, gấp 1,5 lần so với bê vàng. Với đặc điểm là dịch bệnh ít mà tăng trọng nhanh, trung bình mỗi ngày trọng lượng bò tăng trên 1 kg. Như vậy, sau 12-14 tháng nuôi dưỡng, trọng lượng bò thịt đạt trên 500 kg mỗi con, xuất bán thu về từ 50-60 triệu đồng, trừ chi phí thì bà con thu lãi từ 15-20 triệu đồng/con. Hiện nay, các hộ chăn nuôi bò trong xã Tòng Bạt có bình quân từ 3-4 con bò/hộ, có hộ đạt từ 18-20 con, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm mô hình nuôi bò BBB tập trung, trại chăn nuôi của hộ gia đình tại xã Thuận Mỹ, huyện Ba Vì |
Khó khăn được hộ nuôi bò BBB báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội là việc vay vốn ngân hàng còn hạn chế, do vậy nhiều hộ phải bán bê non, lợi nhận không cao. Các hộ chăn nuôi bò BBB xã Tòng Bạt mong muốn có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để các hộ gia đình ở đây có thể xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư; quy hoạch vùng trồng nguyên liệu ổn định, lâu dài, phục vụ nhu cầu mở rộng đàn bò, cùng với đó xây dựng chuỗi kết nối từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ nhằm ổn định đầu ra cho bà con.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của người dân. Mặc dù cùng triển khai dự án lai tạo giống bò BBB của TP, song với kinh nghiệm, sự cần cù, sáng tạo, đàn bò BBB của xã Tòng Bạt đã có sự tăng trưởng và phát triển rất tốt.
Bí thư Thành ủy cho rằng, những kiến nghị của bà con rất xác đáng, trong quá trình phát triển của ngành chăn nuôi tất yếu phải tính đến việc phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư cũng như hình thành chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp với thị trường. Bí thư Thành ủy giao Sở NN&PTNT, huyện Ba Vì, xã Tòng Bạt nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của bà con, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đàn gia súc, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Đối với vùng sản xuất chè của huyện Ba Vì, theo số liệu thống kê năm 2016, Hà Nội có diện tích cây chè là 3.354 ha, năng suất 77,7 tạ/ha, sản lượng 24.884 tấn, trồng tập trung nhiều ở các huyện như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ.
Bí thư Thành ủy thăm mô hình trồng và chế biến chè tại xã Ba Trại của các hộ liên kết với Sở NN&PTNT |
Để góp phần phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè bảo đảm tính bền vừng, ổn định, phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp đô thị, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn đến năm 2016, định hướng đến năm 2020. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển cây trồng triển khai các mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại 4 xã (Yên Bài, Ba Trại, Thuận Mỹ, Cẩm Lĩnh) thuộc huyện Ba Vì với quy mô 297 ha.
Hiện nay, Ba Vì đã phát triển trồng mới và trồng thay thế được 89 ha chè bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt như LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên. Phát triển chăm sóc, thâm canh chè an toàn được 93 ha tại các xã Ba Trại, Yên Bài, Thuận Mỹ, Cẩm Lĩnh.
Kết quả mô hình thâm canh chè theo VietGAP cho thấy, nông dân sản xuất chè bước đầu đã có cách nhìn mới về sản xuất nông nghiệp có kiểm tra, kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất đối với sức khỏe của con người, với cộng đồng và môi trường. Đồng thời ngăn chặn các môi nguy độc hại từ hóa chất, vi sinh vật, kiểm soát các đối tượng dịch hại, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bài, ảnh: Gia Huy/chinhphu.vn