Những thương binh chân trần trên mặt trận sản xuất nông nghiệp
- Thứ năm - 26/07/2018 22:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trở về từ mặt trận truy quét Fulro
Ông Hồ Văn Hợi, ở Phước Thành (Phường 7 - Đà Lạt) hiện đang có hơn 2 sào hoa nhà lồng, gối đầu sản xuất liên tục mỗi vụ 40 ngày, cho thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/vụ. Tham gia là thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở Phường 7 và được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ năm 2016, ông Hợi cho biết: Nguồn vốn từ NHCSXH quá ít, vì một sào nhà lồng chỉ tính riêng khung sắt với nilon thôi đã 150 triệu đồng rồi. Chúng tôi sử dụng nguồn vốn tích lũy của gia đình cùng với phần vốn hỗ trợ của NHCSXH làm được 2 sào nhà lồng trồng hoa và có cơ hội phát triển từ đó.
Để không phải lo lắng nguồn trả nợ sau này, mỗi tháng, gia đình ông Hợi gửi tiết kiệm 500 ngàn đồng, hơn một năm nay đã tích lũy được hơn 13 triệu đồng. Ông dự định, tới năm cuối cùng còn bao nhiêu sẽ gom tiền trả hết, vừa nhẹ nhàng lại không ảnh hưởng tới các kế hoạch khác của gia đình. Ông Hợi kể, trước đây lúc còn rất khó khăn, vay vốn hộ cận nghèo 20 triệu đồng, không tính gửi tiền tiết kiệm, dồn lại đến lúc trả nợ, trong nhà không có sẵn tiền, ông phải vay nóng. Nhưng may mắn, trúng vài vụ và bà con giúp đỡ nên thời gian vay tín dụng đen không dài… Tuy nhiên, xác định đây là vốn vay, đã vay thì phải trả, hơn nữa lại là vốn tín dụng chính sách, không thể chày nhày được.
Gia đình ông Hợi gắn bó với NHCSXH từ khoảng 10 năm trước, vay vốn hộ cận nghèo, vốn học sinh sinh viên cho 3 con đi học… đều trả hết nợ, không dây dưa, nợ đọng. Đến nay, ông chỉ còn dư nợ 50 triệu. Vợ chồng ông cùng 4 anh con trai quây quần trong căn nhà xây đơn giản, ấm cúng. Ông khoe, hồi còn khó khăn, mà xây được căn nhà hết chín mấy triệu, đều nhờ anh em, bạn bè thương giúp đỡ cả…
Hồi trẻ, ông Hợi đi dân quân du kích, rồi tham gia lực lượng cơ động của phường, tham gia truy quét Fulro ở Đa Chais, Đa Thiện. Một trận, đội của ông bị phục kích do sương mù dày đặc, ông trúng đạn xuyên ổ bụng, chữa trị hết hơn một năm và do tái phát nhiều lần phải phẫu thuật tới 5-7 lần… Khi ấy, ông mới 20 tuổi. Ông được xếp hạng thương binh 2/4, với mức thương tật 61%.
Hồi phục, ông làm thư ký cho tập đoàn sản xuất nông nghiệp, rồi tập đoàn tan rã, ông được trả lại đất và phải tự làm. Sức khỏe yếu, vợ con nheo nhóc, ông vay mượn triền miên để trồng lagim, trồng dâu… Đến khi lên được 1 sào nhà lồng, rồi 2 sào… Hiện, khoản nợ vẫn còn, nhưng gia đình ông không phải lo đắp đổi nữa. Các con ông dù được học nghề, nhưng đều về làm chung với gia đình. Hơn 2 sào nhà lồng của gia đình cho thu nhập gấp 5 lần so với 2 sào đất còn lại đang canh tác ngoài trời. Ông cũng dự định sẽ vay vốn để làm tiếp 2 sào nhà lồng nữa. Ông khẳng định: “Gia cảnh nhà ông, hơn thì cũng không hơn ai, nhưng thua là không rồi”.
Người thương binh trên chiến trường Campuchia
Ông Phan Văn Được ở Nguyễn Siêu (Phường 7 - Đà Lạt) là thương binh hạng 1/4 từ chiến trường Campuchia trở về, bị mất một phần ba lá gan cũng vào độ tuổi 20. Ông làm 7 sào nhà lồng trồng bông cùng vợ và 2 người con, đồng thời, thuê thêm vài công lao động những khi nhiều việc. Nhập ngũ được 3 năm, bị thương, mất nhiều tháng chữa trị… Ông trở về đời thường, “thỉnh thoảng vẫn đau và thuốc liên tục”.
Với 7 sào bông ông Được trồng luân phiên gối đầu, nên lúc nào trong vườn cũng có bông đang rộ. Chúng tôi theo chân ông leo lên bậc đất dốc đứng và trơn trượt giữa ngày mưa để “mục sở thị” công việc hàng ngày của người cựu chiến binh giữa đời thường. Vườn cát tường 5 màu đang được thu hái. Đúng là nếu không có nhà lồng thì không có cách gì thu được những bông hoa rực rỡ, tươi thắm như thế này… Mỗi sào bông, gia đình ông có thu nhập khoảng 100 triệu đồng, nhưng gần một nửa là chi phí. Vì vậy, 50 triệu vốn hỗ trợ của NHCSXH giúp gia đình “thong thả được một lứa bông”. Ông cũng cất riêng mỗi tháng 200 ngàn tích lũy trả nợ. Ông cũng khẳng định, đã vay là phải làm cho có lãi để còn trả nợ. Lúc mới về, sức khỏe kém, không làm gì được. Dần dần, sức khỏe hồi phục, ông mới tham gia công việc vườn tược của gia đình, rồi gầy dựng dần lên diện tích 7 sào như ngày nay.
Dù lượng vốn vay hỗ trợ từ NHCSXH ít, nhưng với nhiều hộ gia đình cũng là nguồn động lực lớn để phát triển sản xuất. Hầu như gia đình nào làm vườn đều phải vay vốn để dựng nhà lồng. Vì nếu không làm nhà lồng, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, năng suất rất bấp bênh, dẫn đến thu nhập chẳng đâu vào đâu. Hoặc, các hộ dân xung quanh làm nhà lồng hết, mình ở giữa, không làm nhà lồng cũng không thể trồng trọt được… Đất có sổ có thể thế chấp ngân hàng thì dễ, nhưng đất không thể thế chấp thì phải tìm cách vay mượn, thậm chí là vay nóng, dẫn đến nhiều hệ lụy khác, rất nguy hiểm…
Ông Nguyễn Thanh Phương - Tổ trưởng Tổ TK&VV Nguyễn Siêu - Phước Thành (Phường 7) cho biết thêm: tổ có 39 tổ viên, với tổng nguồn vốn hơn 1,6 tỷ đồng tham gia gần hết các chương trình của NHCSXH. Trong Tổ có 3 cựu chiến binh (gồm 2 thương binh là ông Hợi và ông Được), đều tham gia sản xuất nông nghiệp và đều là những hộ nông dân sản xuất hiệu quả, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại lợi ích kinh tế tốt cho gia đình.
LÊ HOA/http://baolamdong.vn