Nông dân Hà Tĩnh “mở lối” cho nông sản vươn xa
- Thứ tư - 01/01/2020 08:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Liên kết để tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn
Ở Cẩm Hòa, nhiều hộ nuôi với quy mô 3-4 nghìn con/lứa, lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Những ngày cuối năm, nông dân xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) tất bật chăm bẵm đàn gà để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Đưa chúng tôi tham quan mô hình mình làm chủ, ông Trần Văn Thuần - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi gà thôn Hòa Phú cho biết: “Với quy mô khoảng 1.200 con/lứa, gia đình tôi mỗi năm thu nhập trên trăm triệu đồng. Ở Cẩm Hòa, nhiều hộ nuôi với quy mô 3-4 nghìn con/lứa, lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Ở vùng đất này khó có loại cây trồng, vật nuôi nào là “đối thủ” của con gà về hiệu quả kinh tế”.
Ban đầu, gà ở Cẩm Hòa chỉ được một vài hộ nuôi nhỏ lẻ, về sau thấy hiệu quả, nhiều hộ nông dân đã chủ động liên kết thành các tổ hợp tác như: Phú Hòa, Bắc Hòa. Sản xuất liên kết, người chăn nuôi được Hội Nông dân hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. “Khi tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, người dân lại bàn nhau tìm cách quảng bá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ. Bởi thế, hiện tại, có hàng chục thương lái, doanh nghiệp ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… đến mua gà ở Cẩm Hòa. Có lợi nhuận, nông dân phấn khởi tăng đàn, nỗ lực làm giàu” - ông Thuần chia sẻ.
Đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi nhuận cá nhân
HTX Sản xuất kinh doanh giống và Chế biến nông sản Đức Lâm xây dựng thương hiệu gạo Thế Cường để cung ứng sản phẩm ra thị trường
Tính trung bình, mỗi năm, HTX Sản xuất kinh doanh giống và Chế biến nông sản Đức Lâm (Đức Thọ) thu mua 15.000 tấn lúa của bà con nông dân. Phó Giám đốc HTX Nguyễn Thị Châu chia sẻ: “Từng sản xuất lúa gạo, tôi thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân về tiêu thụ sản phẩm. Năm 2012, tôi cùng các xã viên khác hợp sức lại thành lập HTX. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo Thế Cường để cung ứng sản phẩm ra thị trường”.
Hiện tại, ở nhiều doanh nghiệp địa phương trong và ngoài tỉnh đã có các đại lý chuyên cung cấp tiêu thụ sản phẩm gạo Thế Cường. Mặc dù lợi nhuận chưa cao, song sự hỗ trợ về tiêu thụ lúa gạo của HTX Đức Lâm cho bà con nông dân là rất lớn. Hiện, HTX đang nỗ lực phối hợp với các doanh nghiệp khác để xuất khẩu gạo sang các thị trường Lào, Trung Quốc.
HTX Sản xuất kinh doanh giống và Chế biến nông sản Đức Lâm đang nỗ lực phối hợp với các doanh nghiệp khác để xuất khẩu gạo sang các thị trường Lào, Trung Quốc.
Giấc mơ xuất ngoại nông sản
HTX Hoàng Hà (xã Tượng Sơn, Thạch Hà) hiện có 5 vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung với tổng diện tích 42 ha và khoảng 30 ha sản xuất trong vườn hộ các xã viên. Mỗi năm, HTX sản xuất hàng trăm tấn rau các loại nên vấn đề đầu ra cho sản phẩm luôn được quan tâm. Giám đốc HTX Nguyễn Viết Sơn cho hay: Hiện nay, rau xanh Tượng Sơn đã xây dựng được nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đang xây dựng mô hình tự công bố chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng chủ động khâu nối, ký kết tiêu thụ ổn định với nhiều doanh nghiệp lớn như siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, Công ty Sao Việt (Hà Nội), liên kết với HTX 686 (Hà Tĩnh) để đưa sản phẩm vào bếp ăn tập thể của các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp…
Rau xanh Tượng Sơn đã xây dựng được nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đang xây dựng mô hình tự công bố chất lượng sản phẩm.
Với khát vọng đưa nông sản đi xa, HTX Hoàng Hà cùng với Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh xúc tiến với doanh nghiệp, nỗ lực xuất khẩu nông sản Hà Tĩnh vào thị trường châu Âu. Tháng 4/2019, đại diện một doanh nghiệp thực phẩm của Nga đã đến Tượng Sơn tìm hiểu và làm việc với địa phương về việc xuất khẩu nông sản.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Nhân Sâm cho biết: Ở Hà Tĩnh có hàng nghìn mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp nông dân ngày càng khá giả. Đó hầu hết là những mô hình dự báo đúng thị trường và chủ động “đầu ra” cho nông sản. Hy vọng, thời gian tới, thị trường nông sản được mở rộng hơn, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay và có thêm nhiều tỷ phú nông dân.
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn