Phát triển kinh tế nhờ nông sản sạch

Chuyên trồng các loại nông sản sạch từ khổ qua, cải, đậu phụng... vài năm gần đây ông Trần Hoạch (thôn Đông Thạnh Tây, xã Tam Hòa, Núi Thành) gặt hái thêm nhiều thành công nhờ mô hình trồng bí xanh không sử dụng hóa chất hay loại thuốc trừ sâu nào.
Vườn bí sạch của ông Hoạch, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất ở xã Tam Hòa.

Về thôn Đông Thạnh Tây hỏi ông Ba Hoạch không ai là không biết, bởi ông là chủ nhân của mô hình trồng bí sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao duy nhất ở xã Tam Hòa. Để được giàn bí sạch như ngày hôm nay ông tự tìm tòi, cố gắng, và dám nghĩ dám làm cộng thêm nhiều kinh nghiệm của một nông dân chuyên sản xuất các loại rau củ quả sạch từ trước đến nay.

Nhiều năm trước, gia đình ông Hoạch chỉ chuyên trồng khổ qua và các loại rau xanh, khoai lang, đậu phụng... Cái duyên với cây bí đao đến với ông một cách khá tình cờ. Từ vài hạt giống bí đao của một người bạn cho, ông đem trồng thử, xen với cây khổ qua. Năm ấy, cây bí đao đạt năng suất và hiệu quả kinh tế bất ngờ, từ đây ông quyết định làm giàu từ cây bí đao trên thửa đất chưa tới một sào của mình.

Từ một vài dây bí lúc trồng khởi điểm, đến nay vườn bí đao của ông đã lên đến 18 dây bí xanh, trên 150m2 đất vườn, với 400m2 cho dây leo, khoảng cách từ dây cách dây là 1,5m. Với cách làm khoa học hiệu quả, 3 năm qua mô hình bí đao của ông luôn trúng lớn, năng suất đạt trên 2 tấn một vụ, mang lãi về cho ông hơn 20 triệu đồng/mùa.

Đã có kinh nghiệm trồng trọt với các loại nông sản sạch trước đây, nên khi thí điểm mô hình bí đao ông Hoạch không gặp nhiều khó khăn. Ban đầu năng suất vườn bí của ông cao nhưng chất lượng lại không mong muốn, quả to nhưng ruột rỗng. Sau thời gian dài tìm hiểu ông đã mạnh dạn ghép giống bí truyền thống và giống bí Thái Lan, tạo ra giống bí lai đạt năng suất cao như hiện tại. "Khi ghép giống tôi không nghĩ sẽ thành công. Ttuy nhiên kết quả lứa đầu tiên sau khi ghép giống cho ra quả bí vừa to, vừa chắc ruột, quả to nhất lên đến trên 25kg" - ông Hoạch chia sẻ.

 Sản phẩm bí sạch từ việc ghép giống đạt hiệu quả kinh tế rất cao so với bình thường.
Giống bí đao ghép đạt hiệu quả kinh tế rất cao so với giống thường.

Là một nông dân chân lấm tay bùn, mong nông sản được người tiêu dùng tin tưởng nên ông nói không với các loại thực phẩm sử dụng chất hóa học và thuốc trừ sâu. "Vì cái lợi trước mắt mà nhiều người đã bất chấp dùng các chất độc hại trong quá trình canh tác để thu lợi cho mình. Nếu bản thân mình cũng đi theo hướng đó thì không xứng đáng là nông dân thực thụ. Sản phẩm mình làm ra, bà con mình dùng nữa, không thể vì cái lợi cá nhân mà đánh mất lương tâm" -  ông Hoạch nói.

Quyết tâm với suy nghĩ như vậy, sản phẩm của ông không dùng đến bất cứ loại hóa chất hay giọt thuốc trừ nào. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch ông chỉ bón phân chuồng, bánh dầu (một phụ phẩm khi ép dầu phụng) và cây đậu đã ủ hoai. Đến việc phòng trừ sâu bệnh ông cũng dùng phương pháp tự nhiên: ông dùng kiến đỏ đem nuôi trên giàn bí để nó làm tổ rồi bắt sâu. Với những lí do đó, sản phẩm bí sạch của ông được nhiều thương lái ưa chuộng.

Tuy nhiên khó khăn nhất với ông lúc này là đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm của ông dù "sạch" đúng nghĩa, được nhiều người ưa chuộng nhưng cũng chỉ bó hẹp trên địa bàn vài xã lân cận. Ông dự định sẽ mở rộng vườn bí sạch nếu có đầu ra ổn định hơn trong tương lai. Ông Trương Công Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết: "Mô hình bí sạch của ông Hoạch là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, cần được nhân rộng. Nhưng đến thời điểm này, xã chưa dám có kế hoạch nhân rộng cho người dân, vì chưa có đầu ra ổn định. Xã chưa thể xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất liên canh giữa doanh nghiệp và người dân. Việc tạo thương hiệu còn khó vì chưa doanh nghiệp nào đăng kí để tạo đầu ra cho nông sản sạch của địa phương. Chính quyền địa phương cũng đang tìm nguồn đầu ra ổn định để khuyến khích người dân sản xuất nông sản sạch góp phần làm giảm phần nào nạn thực phẩm kém an toàn như hiện nay."

VĂN VIỆT/baoquangnam.vn