Phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm quy mô lớn ở Hà Tĩnh

Phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm quy mô lớn ở Hà Tĩnh
Cha ông ta có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói lên sự vất vả của nghề trồng dâu nuôi tằm. Thế nhưng anh Nguyễn Ngọc Tấn cùng với 7 hộ dân khác ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn “Ăn cơm đứng” để phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Về xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh vào một ngày râm mát, chúng tôi được cán bộ nông nghiệp xã dẫn đi thăm đồi dâu xanh ngút ngàn đang cho những chiếc lá non mơn mỡn. Gặp anh Nguyễn Ngọc Tấn đang chỉ đạo công nhân hái dâu, được anh chia sẻ: Đồi dâu này có diện tích trên 20 ha, trước đây anh đầu thầu để nhằm phát triển kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên cũng đã xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi rất vất vả, tốn kém nhưng hiệu quả chưa cao, lợi nhuận thu được không nhiều. 

20 ha dâu phát triển xanh tốt

Sau nhiều trăn trở, tìm hướng đi mới, được sự gợi mở của người thân quên, anh Tấn quyết định khăn gói đến các địa phương của tỉnh Nghệ An như: Diễn Châu, Diễn Kim, Quỳ Hợp… ở lại nhiều ngày để học cách phát triển nghề nuôi tằm. Tháng 9/2019, trở về quê với vốn kỹ thuật sản xuất và trình độ quản lý kha khá trong tay, anh thành lập Hợp tác xã Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn với 7 thành viên tham gia.

Công việc đầu tiên các thành viên xác định là cần quy hoạch lại đất sản xuất, tiến hành mua giống dâu về trồng. Về kỹ thuật sản xuất, HTX liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương hỗ trợ về giống, kỹ thuật. Cây dâu rất dễ trồng, sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất. Dâu có thể được trồng bằng cành hoặc bằng cách cây con. Thông thường mật độ trồng hàng cách hàng 1,2 - 1,5m, cây cách cây 0,2 - 0,3m, khoảng 42.000 cây/ha. Cần bón phân, làm cỏ, tưới nước theo đúng quy trình. Chỉ sau 4 - 6 tháng trồng là dâu có thể cho thu hoạch lá và một lần trồng có thể cho thu hoạch liên tục từ 15 - 20 năm. Đặc biệt sâu bệnh hại dâu cùng không nhiều.

Sau khi đã có vườn dâu như ý muốn, anh Tấn cho xây dựng nhà ươm nuôi và sản xuất kén tằm. Đặc biệt, ngoài kén tằm là sản phẩm chính, nghề nuôi tằm còn cho nhiều sản phẩm phụ có giá trị cao như: nhộng tằm, phân bón cho cây cảnh….

Nuôi tằm để đạt hiệu quả cần rất chú ý đến những yếu tố về thức ăn, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, môi trường sống. Nhiệt độ thích hợp để tằm nuôi sinh trưởng tốt từ 25 - 30°C, nhiệt độ chuồng nuôi cao quá hay thấp quá đều ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cho kén của tằm. Đối với tằm thức ăn duy nhất là lá dâu, tốt nhất nên chọn lá dâu có màu xanh đậm, nhiều nhựa, đảm bảo số lượng để tằm ăn. Lá dâu quá già và nhiều nước, nhiều đạm, sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng tằm. Ngoài kén tằm là sản phẩm chính, nghề nuôi tằm còn cho nhiều sản phẩm phụ có giá trị cao như: nhộng tằm, phân bón cho cây cảnh…


Tằm cần được cho ăn thường xuyên

Sau 7 tháng triển khai quy hoạch và xuống giống, đến thời điểm này, 20 ha dâu được đánh giá là hoàn toàn thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt và cho thu hoạch lá với năng suất cao. Đồng thời, HTX đã bắt đầu triển khai ươm nuôi lứa kén đầu tiên và đã thành công ngoài mong đợi với gần 2 tấn kén được “ra lò”, với giá bán khoảng 130 triệu đồng/tấn.

Anh Tấn vui mừng kể: “Trồng dâu nuôi tằm đúng là vất vả như cha ông ta thường nói, tuy nhiên khi lứa sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng, tôi khá ngạc nhiên và phấn khởi khi không chỉ đảm bảo các tiêu chí về năng suất, mẫu mã mà nhiều mẻ kén còn vượt trội so với các cơ sở sản xuất ở Nghệ An”.

Hiện tại, ngoài 7 thành viên, HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn còn tạo công ăn việc việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng; ngoài ra còn có hàng chục lao động thời vụ.

Ông Nguyễn Thế Quỳnh - Chủ tịch Hội nông dân xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh cho hay: Đất nông nghiệp của địa phương tương đối lớn, hơn 200 ha, tuy nhiên bà con nông dân chỉ trồng được các loại cây đậu, cây sắn mang lại hiệu quả thấp, cho nên gần đây đã bị bỏ hoang rất nhiều. mô hình Trồng dâu nuôi tằm của anh Nguyễn Ngọc Tấn, tính sơ bộ mỗi ha dâu sẽ cho 2 tấn kén/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều các loại cây bản địa là một hướng đi hợp lý giúp bà con nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.

Theo Hà Trần/sonongnghiep.hatinh.gov.vn