Sản xuất nông sản hữu cơ và câu chuyện nghề của Nghệ nhân Nguyễn Văn Đoàn
- Thứ ba - 25/04/2017 05:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đi ngược lại số đông
Một buổi chiều cuối tháng 4, chúng tôi gặp ông Đoàn khi ông đang trên đường đi thăm nương chè của gia đình. Dưới ánh nắng chói chang đầu hè, cái bóng cao lớn của người đàn ông gần 60 tuổi thoắt ẩn thoắt hiện trên những vạt chè xanh. Nghỉ chân một lát, vội lau đi những giọt mồ hôi, ông Đoàn chia sẻ: Làm chè vất vả lắm, nhưng biết làm sao khi nghề đã chọn mình, còn mình thì gắn bó máu thịt với nó, say mê nó.
Nói nghề đã chọn ông có lẽ đúng, bởi từ năm lên 7 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Đoàn đã được mẹ dạy cho cách làm chè. “Lúc ấy làm gì có phân bón tổng hợp như bây giờ, chúng tôi chủ yếu bón chè bằng phân chuồng ủ hoai mục hay đốt thân cây nứa tươi lấy gio để bón. Hàng ngày, tôi lên rừng hái lá cây đem về dấp vào những gốc chè để giữ ẩm và hạn chế cỏ mọc”. Ông Đoàn kể. Từ cách khắc phục thiếu thốn ấy đã manh nha trong tâm trí cậu bé năm nào về cách trồng chè theo phương pháp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ý tưởng về làm nông nghiệp xanh cứ thế theo ông suốt những năm tháng trong quân ngũ, để rồi sau khi lập gia đình, năm 1992 ông trở về quê hương và tiếp tục theo nghề chè của cha ông để lại. Bấy giờ, để bảo vệ chè khỏi sâu bệnh hại và giúp cây phát triển nhanh, người dân quanh vùng chọn cách phổ biến là phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Nhận thấy mặt trái của việc dùng thuốc hóa học, lo chất lượng chè không đảm bảo do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, bằng sự nhanh nhạy, sáng tạo của mình, ông Đoàn đã chế tạo ra một chiếc “máy hút sâu”, được cải tiến từ máy cắt cỏ của gia đình. Khi được hỏi rằng, “phát minh” hay như thế hẳn là người dân quanh vùng sẽ học theo, ông Đoàn chỉ tủm tỉm cười: Không những không có ai làm theo mà họ còn cười chê, cho tôi là điên, dở người. Bởi lẽ để chiếc máy vận hành được với vận tốc 400-500 vòng/phút thì rất tốn xăng, trong khi chỉ cần bỏ ra một chút tiền nhỏ là có thể mua về cả bịch thuốc trừ sâu. Bỏ ngoài tai tất cả, tôi biết con đường mình chọn là đúng và sẽ theo đến cùng.
"Có công mài sắt có ngày nên kim"
Dù không được ủng hộ, song ông Đoàn vẫn không nản lòng. Với niềm say mê nghiên cứu và quyết tâm thực hiện, những sản phẩm chè an toàn của ông Đoàn đã ra đời, đảm bảo các yếu tố như: không thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, hoóc-môn tăng trưởng… Tuy nhiên, sản xuất theo phương pháp hữu cơ không hề đơn giản, bởi nếu chỉ có một hộ áp dụng trong khi nhiều hộ dân xung quanh vẫn phun thuốc trừ sâu hóa học thì những chất độc hại đó sẽ theo gió bay lan sang, kết quả là vẫn bị ảnh hưởng. Giải pháp đã có khi năm 2012, ông Đoàn đứng ra vận động một số bà con quanh vùng thành lập Hợp tác xã (HTX) Chè Núi Cốc với 13 thành viên. Từ đây, đã có thêm nhiều bà con mạnh dạn tham gia trồng chè hữu cơ dưới sự chỉ dẫn tận tình của Giám đốc HTX Nguyễn Văn Đoàn. Trong số 16ha chè của HTX, đã có 6ha được bà con áp dụng phương pháp hữu cơ, số còn lại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chị Nguyễn Thị Hương, xóm Hồng Thái, xã Tân Cương cho biết: Thời gian khi mới tham gia vào HTX, tôi thấy khá lúng túng do ban đầu, sản lượng chè hữu cơ có phần sụt giảm so với trước. Thế rồi được sự hướng dẫn tỉ mỉ của bác Đoàn, chúng tôi kiên trì tuân thủ theo đúng quy trình. Niềm vui đến khi những lứa chè sau, sản lượng tăng dần. Đến nay, năng suất chè luôn ổn định ở mức 12 tấn chè búp khô/ha, giá bán ra cũng cao hơn nhiều so với các loại chè thông thường. Mặt khác, từ khi áp dụng trồng chè hữu cơ, tôi cảm thấy sức khỏe tốt hơn, không khí môi trường trong lành, chất lượng chè đảm bảo và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện tại, chè hữu cơ được HTX Chè Núi Cốc bán ra với giá dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng/kg (tùy loại), chè VietGAP có giá 200-300 nghìn đồng/kg. Doanh thu của HTX đạt hơn 300 triệu đồng/năm. Không chỉ phổ biến kinh nghiệm trồng trọt của mình cho các thành viên của HTX, bất cứ ai có nhu cầu học hỏi ông Đoàn đều truyền đạt rành rẽ, ngọn ngành.
Khi nhiệt huyết được lan tỏa
Để gặp được ông Đoàn, chúng tôi phải hẹn tới hẹn lui đến 3 lần. Không phải ông không sẵn lòng tiếp đón mà bởi ngoài công việc của HTX, ông Đoàn thường xuyên phải giảng dạy tại các địa phương khác, thậm chí cả ở nước ngoài. Cơ duyên đưa ông đến mọi nơi để truyền nghề có lẽ cũng từ chiếc “máy hút sâu” năm xưa. Khoảng đầu những năm 2000, khi đang dùng chiếc máy này để bắt sâu trên đồi chè của gia đình, bất ngờ gặp một đoàn phóng viên đang tác nghiệp tại Tân Cương. Sự sáng tạo hiệu quả của người nông dân đã khiến họ thích thú. Để rồi, không lâu sau đó, một chương trình truyền hình về nông nghiệp nông thôn phát sóng, trong đó có hình ảnh của ông Nguyễn Văn Đoàn với chiếc máy giúp tiêu diệt sâu bọ mà không cần đến hóa chất độc hại. Tiếng lành bay xa, tin về một người nông dân từ một nơi xa xôi nhưng tâm huyết với cách sản xuất hữu cơ đã được nhiều người biết đến. Và, năm 2008, đại diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) với Dự án giúp đỡ đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đã đến làm việc với ông Nguyễn Văn Đoàn. Kể từ đây, ông chính thức trở thành chuyên gia của Hiệp hội hữu cơ quốc tế tại Việt Nam, phối hợp với Cục Chế biến, Bộ Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền về kiến thức nông nghiệp hữu cơ cho đồng bào vùng Tây Bắc.
Tính đến nay, trung bình mỗi năm, ông Đoàn tham gia đào tạo 7-8 lớp với hàng trăm lượt học viên. Không chỉ có riêng chè mà các nông sản khác như: quế, rau, măng… cũng được ông nghiên cứu và hướng dẫn trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Đặc biệt, trong giai đoạn 2014-2016, thực hiện Dự án của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, mang tên SNV, hỗ trợ 3 nước: Việt Nam, Lào, Myanma, ông Nguyễn Văn Đoàn đã cùng một số chuyên gia sang Sầm Nưa và Phong Sa Lì (Lào) để hướng dẫn bà con ở đây cách chế biến và bảo quản măng hốp sao cho giữ măng được lâu mà vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng... Vì kinh nghiệm và những đóng góp của ông Đoàn, năm 2016, ông vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam và cũng là người đầu tiên và duy nhất ở Thái Nguyên cho đến thời điểm hiện tại được nhận danh hiệu này.
Tâm sự với chúng tôi, ông Đoàn không nhớ hết những nơi đã đến truyền kinh nghiệm trong suốt gần 10 năm qua. Từ Hà Nội cho đến Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang… đâu đâu cũng có bước chân của ông cùng với những chuyên viên, cán bộ tâm huyết với nông sản hữu cơ. Điều mà người nghệ nhân đã sắp đến tuổi lục tuần này còn băn khoăn, đó là: Chừng nào tôi còn sức khỏe, mọi người còn cần đến sự trợ giúp của tôi thì tôi sẽ vẫn đi, sẵn sàng chia sẻ. Mong ước lớn nhất của tôi đó là tạo ra được một vùng sản xuất nông sản hữu cơ tập trung, trong đó, đem lại sản phẩm sạch cho người dùng, còn người nông dân nhận lại được giá trị tương xứng với sức lao động bỏ ra. Tuy nhiên, nếu chỉ có cá nhân tôi thực hiện thì chỉ có giới hạn, chỉ hy vọng sẽ ngày càng nhiều người hiểu đúng được lợi ích của nông sản hữu cơ, bỏ tâm sức để mở rộng…
Chia tay ông Đoàn khi mặt trời dần lùi về sau những nương chè, chúng tôi nhận ra trong ánh mắt, trong nụ cười của người nghệ nhân già còn nhiều lắm những dự định, trăn trở đang nôn nóng thực hiện. Mong cho sẽ còn nhiều những tấm gương đau đáu với nghề như thế, “tiếp lửa” cho con cháu thế hệ sau gìn giữ và học tập…