Thanh niên dân tộc thiểu số nỗ lực khởi nghiệp, làm giàu
- Thứ ba - 29/05/2018 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới đây, chương trình nghệ thuật “Khát vọng khởi nghiệp-bừng sáng bản làng” do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức đã tôn vinh 23 gương mặt điển hình khởi nghiệp DTTS khu vực phía Bắc. Trong số đó có những người trẻ như Lý Tá Giàng, Giàng A Dạy và Sầm Thị Tình…
Chàng trai người Dao bán dược liệu ở Cổng Trời
Lý Tá Giàng (SN 1994) thuộc lớp trẻ người Dao lớn lên tại cao nguyên đá Đồng Văn (huyện Quản Bạ, Hà Giang) là một trong 62 huyện nghèo nhất Việt Nam. Học xong cấp 3, Giàng xin vào Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nậm Đăm chuyên trồng, chế biến một số loại dược liệu. Nhận thấy HTX Nậm Đăm và một số HTX quanh vùng còn hạn chế ở việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nên tháng 2/2017, Giàng thành lập Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên gồm 5 HTX.
Ông Hà Việt Quân-Tổ trưởng Tổ Công tác 569 (chuyên về hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số) thuộc Ủy ban Dân tộc chia sẻ, nếu như người Mông được xem như những kỹ sư tài ba thì người Dao là những thầy lang chuyên về thảo dược. Họ có khoảng chừng 180 bài thuốc cổ truyền giá trị. Địa hình cao nguyên, núi đá, lượng mưa có khi 1.400mm vào tháng 7, nhưng nước nhanh chóng rút vào các hang động ngầm nên cao nguyên luôn thiếu nước trầm trọng, gieo trồng không dễ dàng chút nào. Để có sự sống cho các loại dược liệu, cây trồng làm lương thực, những người trồng cấy phải nghiên cứu kỹ sức chịu đựng, giá trị thích ứng của từng loại thuốc với kiến tạo dày công. Kết quả, Lý Tá Giàng đã thành công.
Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyêncủa Giàng chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm của 5 HTX dược liệu với 200 sản phẩm. Trong đó, mặt hàng phổ biến là Cao Atiso, Cao mạnh gân hoạt cốt, trà Gừng, trà Giảo cổ lam, hạt Y dĩ… cung cấp cho thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đã tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Công ty cũng cập nhật kịp thời xu hướng bán hàng online thông qua các website, fanpage, facebook… nên các sản phẩm được phổ biến rộng rãi, người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng đặt hàng. Sau 7 tháng thành lập, Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên còn xây dựng Cửa hàng Giới thiệu sản phẩm tại điểm dừng chân Cổng Trời.
Ôm ấp ý tưởng khởi nghiệp xanh từ cây dược liệu quê hương, cuối năm 2017, Giàng tham gia Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp-nông nghiệp lần thứ 3, năm 2017” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và giành giải Khuyến kích. Sau cuộc thi, Giàng và các bạn tổ chức quyên góp các loại sách khởi nghiệp đến tặng học sinh tại Trường THPT thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ).
Chàng trai trẻ làm thay đổi tư duy du canh, du cư
Bao đời nay, bà con dân tộc Mông ở xã Mường Bon (huyện Mai Sơn, Sơn La) sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, cấy bắp và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Các thửa ruộng, quả đồi chỉ canh tác được vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, còn mùa khô thiếu nước, đất bị bỏ hoang hóa. Sau khi xuất ngoại học hỏi rồi lăn lộn, nghiên cứu, chàng trai người Mông Giàng A Dạy (SN 1993, ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon) đã đưa công nghệ tưới nước nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới, ươm giống hoa màu hiện đại của đất nước Israel về với bà con người Mông. Mô hình của Dạy đã làm thay đổi tư duy nông nghiệp du canh, du cư của người dân nơi đây.
Năm 2011, Giàng A Dạy thi đậu vào Trường Đại học Tây Bắc. Là sinh viên năng nổ và có lực học tốt, Dạy vinh dự được kết nạp Đảng tại trường. Năm 2015, Trường Đại học Tây Bắc có 2 suất đi tu nghiệp sinh tại Israel. Dạy biết, Israel là một nước nhỏ, chủ yếu là đất cát và rất thiếu nước nhưng lại là quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nên cố gắng thuyết phục bố mẹ vay mượn 30 triệu đồng để đi. Sang Israel, Dạy may mắn được làm việc tại một trang trại ươm cây giống của tập đoàn sản xuất rau giống lớn thứ 3 Israel. Sau gần 1 năm học, làm việc tại Israel, tháng 8/2016, Dạy về nước với những hành trang kiến thức và khoản tiền tích góp được hơn 100 triệu đồng làm vốn thực hiện ước mơ của mình.
Về bản, Giàng A Dạy đầu tư mở trang trại nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ Israel trên chính mảnh vườn của gia đình. Ngoài ra, Dạy còn vận động bà con góp đất, sản xuất những sản phẩm truyền thống như rau và vật nuôi không sử dụng hóa chất. Giúp bản khôi phục lại các giống cây rau đã bị cạn kiệt, trong số đó có những loại rất tốt cho sức khỏe nhưng chưa trở thành hàng hóa, chưa được đưa ra thị trường.Do ứng dụng được công nghệ tưới nhỏ giọt nên mảnh đất 4.000m2, Dạy thu 3-4 vụ/năm. Với diện tích 1,5ha đất trồng bí đỏ, sản lượng 25 tấn bí/vụ và giá trung bình 3.000đ/1kg, mỗi năm thu lãi từ bí đỏ (sau khi đã trừ đi các khoản chi phí), anh thu được trên 200 triệu đồng.
Giữ gìn văn hóa dân tộc Thái bằng nghề thủ công truyền thống
Dệt thổ cẩm là nghề lâu đời của phụ nữ dân tộc Thái tại Nghệ An. Từ thuở ấu thơ, các bé gái đã được học dệt, nhuộm và thêu thùa từ bà, mẹ và chị em. Năm 2010, bà Sầm Thị Bích (ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, Quỳ Châu, Nghệ An) sáng lập HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Tiền thân của HTX là nhóm chị em trong bản tập trung dệt vải, nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình với sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ từ năm 1998. Sản phẩm khi đó chủ yếu bán ra thị trường Hà Nội hoặc xuất khẩu sang Lào.
Nét đặc sắc của thổ cẩm Thái là họa tiết trang trí trên vải thường có hình con vật, hoa lá, cây cỏ của núi rừng. Ngoài chiếc khăn Piêu nổi tiếng, còn có các vật dụng như chăn thêu hươu, voi với ý nghĩa mang đến sức mạnh và sự che chở. Đặc biệt, kỹ thuật nhuộm vải của người Thái khác nhiều so với các dân tộc khác khi tận dụng rất nhiều nguyên liệu từ các loại rau, củ quả để tạo ra màu sắc phong phú cho sản phẩm. Nguyên liệu tạo màu hầu hết từ sản vật thiên nhiên, có sẵn trên rừng hoặc dễ trồng trong vườn như bàng, lá chè, hoàng đằng, cánh kiến, lá vối, lá xà cừ, lá ổi, lá chàm, củ nâu…
Chị Sầm Thị Tình, con gái bà Bích là cầu nối, đại diện giới thiệu, quảng bá, phân phối sản phẩm của HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến tại Hà Nội. Đến nay sản phẩm đã có đầu ra ổn định, thậm chí còn cung cấp cho một số nhà thiết kế thời trang uy tín trong nước. Việc thành lập và duy trì HTX khẳng định thương hiệu sản phẩm cũng như tạo thuận lợi trong việc xuất khẩu, đặc biệt góp phần lưu giữ kỹ thuật làm nghề và hoa văn truyền thống của dân tộc Thái.