Trồng dứa trên đất nghèo, bí thư chi đoàn ở Hà Tĩnh thu hàng trăm triệu

Trồng dứa trên đất nghèo, bí thư chi đoàn ở Hà Tĩnh thu hàng trăm triệu
Với sự năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, anh Hà Trung Nghĩa - Bí thư chi đoàn thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã triển khai thành công mô hình trồng dứa thương phẩm trên địa bàn.

Trồng dứa trên đất nghèo, bí thư chi đoàn ở Hà Tĩnh thu hàng trăm triệu

Hội Nông dân xã Kỳ Đồng đánh giá năng suất trồng dứa của mô hình
anh Hà Trung Nghĩa (ngoài cùng bến trái)

Tốt nghiệp THPT năm 2017, không theo học đại học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hà Trung Nghĩa đã bắt đầu xác định cho mình hướng phát triển kinh tế gia đình ngay tại quê hương.

Vốn năng động, sáng tạo và có tính tổ chức cao, ngay sau khi nghỉ học, Nghĩa được Đoàn xã giới thiệu giữ chức Bí thư chi đoàn thôn Đồng Phú. Trở thành thủ lĩnh Đoàn tại địa phương, anh Nghĩa càng nung nấu khát vọng làm một việc gì đó để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa là cơ sở để thực hiện được việc tuyên truyền, vận động các đoàn viên thanh niên trong thôn cùng làm kinh tế, nâng cao thu nhập.

Qua nhiều trăn trở tìm hướng đi, Nghĩa quyết định phát triển trồng dứa thương phẩm. Theo anh, ngoài tiềm năng đất đai dồi dào, phù hợp với cây dứa thì đối với sản phẩm dứa, hiện tại ở Hà Tĩnh nói chung vẫn là vùng tiêu thụ (diện tích sản xuất không đáng kể) nên không lo thị trường đầu ra.

Trồng dứa trên đất nghèo, bí thư chi đoàn ở Hà Tĩnh thu hàng trăm triệu

Nếu được sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, thì 1 ha
trồng dứa sẽ thu được trên 100 triệu đồng/vụ

Cuối năm 2018, sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình trồng dứa ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Nghĩa đã mạnh dạn đặt vấn đề thuê lại gần 2 ha đất đồi trồng keo tràm hiệu quả thấp của người dân trong thôn để cải tạo và bắt tay vào xuống giống vụ đầu tiên. Với tiền thuê đất, thuê nhân công (7-10 người), tiền giống (6 vạn cây), vật tư phân bón…, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình hết khoảng 100 triệu đồng.

Mặc dù lần đầu tiên thực hiện mô hình nhưng cây dứa có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt và rất thích nghi với vùng đất này. Dứa ra quả đồng đều, mẫu mã đẹp và đặc biệt là có hương thơm đặc trưng và ngọt đậm hơn nhiều so với các loại dứa từ các địa phương khác đang bán trên thị trường.

Sau hơn 6 tháng trồng và chăm sóc, đến thời điểm này anh Nghĩa đã thu bán gần hết lứa sản phẩm đầu tiên với khoảng trên 40 tấn dứa, thu được trên 200 triệu đồng (lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng).

Theo anh Nghĩa, mặc dù lần đầu triển khai chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng qua kết quả thu được thì phải khẳng định thu nhập từ cây dứa cao vượt trội so với tất cả các loại cây trồng truyền thống. Đặc biệt cây dứa dễ trồng, dễ chăm bón, dễ thu hoạch...
 

Trồng dứa trên đất nghèo, bí thư chi đoàn ở Hà Tĩnh thu hàng trăm triệu
Bí thư Chi đoàn Hà Trung Nghĩa dự định sẽ từng bước mở rộng mô hình ở vùng đồi xã Kỳ Đồng và các xã vùng Thượng, ưu tiên các mô hình do đoàn viên thanh niên làm chủ, với mục tiêu thu hút thanh niên ở lại làm giàu ngay trên chính quê hương

“Một vùng đất mà hết lo nắng hạn lại lo bão lũ thì cây dứa là loại cây trồng khả dĩ nhất để có thể phát triển kinh tế nâng cao thu nhập. Cây dứa chịu hạn khá tốt và hoàn toàn không lo bị gãy đổ hay ngập lụt do bão lũ. Nếu được sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, thì 1 ha trồng dứa sẽ thu được trên 100 triệu đồng/vụ” - Bí thư chi đoàn Hà Trung Nghĩa cho biết thêm.

Không dừng lại ở thành công này, vụ sản xuất tới sẽ có những bước đột phá đối với ý tưởng phát triển cây dứa thương phẩm của anh Nghĩa tại địa phương. Theo đó, đã có nhiều hộ gia đình ở xã Kỳ Đồng và xã Kỳ Trung đã đăng ký liên kết với anh để sản xuất dứa trên vườn đồi với tổng diện tích được mở rộng lên gần 10 ha. Theo đó, anh Nghĩa sẽ cung ứng giống và chuyển giao kỹ thuật sản xuất; khi thu hoạch sẽ thực hiện vai trò đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho người trồng.

Thị trường dứa thương phẩm ở Hà Tĩnh hiện rất dồi dào, nếu sản xuất được sản phẩm đảm bảo chất lượng thì trong nhiều năm tới chưa phải lo thị trường đầu ra. Vì vậy dự định của anh là tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất và từng bước mở rộng mô hình ở vùng đồi xã Kỳ Đồng và các xã vùng Thượng, ưu tiên các mô hình do đoàn viên thanh niên làm chủ, với mục tiêu thu hút thanh niên ở lại làm giàu ngay trên chính quê hương, đồng thời bổ sung thêm lực lượng cho tổ chức Đoàn tại địa bàn.
Anh Hà Trung Nghĩa

Phấn khởi trước thành công bước đầu của mô hình sản xuất mới được triển khai tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Đồng Võ Tá Cương khẳng định: Mô hình trồng dứa của Bí thư chi đoàn Hà Trung Nghĩa mặc dù mới được triển khai nhưng đã góp phần mở ra một hướng đi mới cho phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên nói riêng và trong thực hiện tiêu chí thu nhập của địa phương nói chung. Cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Đồng ghi nhận và luôn đồng hành để có sự hỗ trợ, động viên kịp thời, nhằm nhân rộng mô hình kinh tế mới mẻ và hiệu quả này trong thời gian tới.

Theo Vũ Huyền/baohatinh.vn