Trồng nấm công nghệ cao: Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp sạch

Trồng nấm công nghệ cao: Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp sạch
Kỳ vọng gây dựng một cơ sở trồng nấm quy mô công nghiệp, hơn một năm trước, chị Dương Thị Thu Huệ, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức đã tiếp cận với mô hình trồng nấm ứng dụng công nghệ cao.
Thành quả của giấc mơ có vẻ như “điên rồ” ngày đó là khu xưởng sản xuất nấm với quy trình khép kín quy mô công nghiệp đầu tiên của Hà Nội hiện đang vận hành rất hiệu quả.
15 năm theo đuổi nghề trồng nấm
Năm 2002, cơ sở sản xuất nấm thủ công do chị Dương Thị Thu Huệ đứng ra tổ chức sản xuất bắt đầu đi vào hoạt động tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, khu xưởng ngày đó có quy mô rất nhỏ với vài ba nhân công làm việc, sản xuất hoàn toàn thủ công và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Để có nguyên liệu trồng nấm, chị Huệ cùng một số nhân công phải ngày ngày đi xin rơm rạ, lõi ngô, mùn cưa… Thiếu vốn, kiến thức hạn chế, chị Huệ lấy công làm lãi và học hỏi kiến thức dần dần.
Việc tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất nấm giúp chị Huệ tiết giảm được chi phí. Tới năm 2008, chị quyết định trở lại quê hương, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức để hiện thực hóa giấc mơ mở xưởng nấm công nghiệp. Đó cũng là giai đoạn nghề trồng dâu nuôi tằm ở miền quê này thoái trào. Nhiều diện tích đất nông nghiệp trồng dâu bị người dân bỏ không, rất lãng phí. Chị Huệ đã thuê 3ha đất nông nghiệp của bà con, cải tạo thành khu đất sạch sẽ để xây dựng nhà xưởng. Việc sản xuất tại khu xưởng dần được cải tiến theo hướng hiện đại với sự hỗ trợ của các loại máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên về cơ bản, quy trình sản xuất vẫn là thủ công và chưa thể kiểm soát được yếu tố thời tiết.
Hiệu quả từ liên kết 3 “nhà”
Nhận thấy nhu cầu rất lớn của thị trường đối với sản phẩm nấm, nhất là nấm kim châm, nhưng phần lớn nấm kim châm có nguồn gốc từ Trung Quốc, năm 2011, chị Huệ thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao với mục tiêu tăng cường hợp tác sản xuất với các DN có uy tín. Tháng 5/2016, chị Huệ liên kết với một số DN Nhật Bản, nhập dây chuyền, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến nấm kim châm của Nhật Bản. Để vận hành được dây chuyền, chị Huệ đã cử kỹ sư đi đào tạo tại Nhật Bản, phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực vi sinh tại Viện Di truyền (Bộ NN&PTNT), Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Hiroshima (Nhật Bản)… Với sự giúp đỡ của nhiều sở, ngành, ngày 30/4/2017, nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản đầu tiên tại Hà Nội với quy mô 3ha, công suất 500kg/ngày chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến, sản lượng từ nay tới cuối năm của nhà máy sẽ được nâng từ 1,5 tấn/ngày lên 3 tấn/ngày. "Điều khích lệ là sản phẩm nấm sạch làm ra hiện không lo tiêu thụ, nhất là khi nhu cầu nấm ăn tăng cao trong những tháng mùa Đông sắp tới" - chị Huệ tâm sự.   
Chị Huệ chia sẻ rằng, mình rất may mắn khi được tiếp nhận dự án “Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp” thuộc Chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn 2012 - 2015 của UBND TP Hà Nội. Dự án được Bộ KH&CN tài trợ 5,43 tỷ đồng; UBND TP Hà Nội thông qua Sở KH&CN hỗ trợ thêm 2,95 tỷ đồng cùng kỹ thuật sản xuất. Theo chị Huệ, thành công của dự án trên có được là nhờ sự tham gia tích cực của 3 "nhà": Nhà nông - Nhà DN - Nhà nước. Và sự tiếp nối mang tính tiên phong của chị Huệ đã mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp trồng nấm của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
Trong chuyến thăm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp mà huyện Mỹ Đức cần tập trung nhân rộng, tiến tới đưa huyện trở thành địa phương có thương hiệu mạnh về nấm. Đồng thời đề nghị các sở, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kịp thời những DN mạnh dạn tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Trọng Tùng/kinhtedothi.vn