Trồng thảo quả thu 650 triệu đồng/năm
- Thứ sáu - 13/10/2017 09:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thảo quả được đưa vào trồng ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 18. Nó thích hợp với vùng núi cao từ 1.000-2.000m so với mặt biển ở phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang.
Là loài cây ưa bóng và ưa ẩm nên thảo quả phát triển tốt dưới tán những cánh rừng lá rộng như rừng dẻ, rừng sồi, rừng pơ-mu hay các loại rừng hỗn giao khác. Nhiệt độ trung bình cả năm từ 15-20oC và lượng mưa 2.000mm/năm là thích hợp. Nó chịu nóng kém nhưng chịu lạnh giỏi. Thảo quả yêu cầu đất giàu dinh dưỡng thì mới lên tốt.
Cây thảo quả (Nguồn: Internet) |
Người ta chủ yếu thu hạt của thảo quả. Mỗi quả có trên 20 hạt. Hạt có mùi thơm đặc trưng nhờ nó chứa tới 1,5% tinh dầu có vị nóng, cay dễ chịu.
Thảo quả được coi là một loại cây dược liệu chữa được nhiều bệnh như đau bụng, đầy hơi, đau tức ngực, sốt rét,... Đây cũng là một loại gia vị quý trong ẩm thực. Ngoài ra, nó còn được dùng để làm bánh kẹo.
Huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) là địa phương có diện tích trồng thảo quả lớn. Đã không ít người dân vùng núi cao làm giàu từ loại cây này.
Thu 650 triệu đồng/năm nhờ cái duyên với cây thảo quả
Điển hình trong phong trào làm giàu từ cây thảo quả là gia đình anh Lê Văn Thảo (thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì).
Cái duyên đến với cây thảo quả của anh Thảo từ những lần đi khảo sát thảo quả mọc hoang trong rừng. Thấy được những lợi thế của địa phương, anh Thảo đã bàn với gia đình huy động vốn và vay mượn thêm để thuê đất rừng với diện tích khoảng 15 ha trong vòng 50 năm ở thôn Chiến Thắng.
Đây cũng là khu vực khá thuận lợi bởi có nguồn nước, có đường liên xã chạy qua và đặc biệt là có tán rừng để trồng thảo quả. Ngay sau khi được huyện cấp đất, anh Thảo đã chuẩn bị ngay các công đoạn để trồng thảo quả.
Do lần đầu tiên trồng giống cây này nên anh đã lên tận phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì để mua sách hướng dẫn kỹ thuật. Được trang bị kiến thức từ sách vở và kinh nghiệm học hỏi từ người dân trong xã, anh Thảo đã sang xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên – Hà Giang) để mua giống thảo quả về ươm trong vườn rừng của gia đình mình.
Từ năm 2010 anh Thảo đã trồng được 20 nghìn gốc thảo quả. Đến tháng 6/2017, gia đình anh Thảo đã có khoảng 40 ha cây thảo quả được trồng dưới tán rừng.
Anh Thảo đang kiểm tra độ chín của thảo quả (Nguồn: mard.gov.vn) |
Trong năm 2017, anh Thảo dự kiến, sản lượng thảo quả của gia đình vào khoảng 25 tấn và với giá thảo quả như hiện nay thì doanh thu của gia đình vào khoảng 650 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.
Anh Thảo chia sẻ: Tiềm năng phát triển cây thảo quả ở xã Hồ Thầu còn rất lớn, do đó bà con có thể mở rộng diện tích bởi anh cũng mong muốn xã Hồ Thầu sẽ trở thành vùng trồng thảo quả tập trung. Anh vận động người dân trong xã cùng tham gia trồng thảo quả và anh Thảo cũng là người tham gia hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp nguồn giống cho nhiều hộ gia đình trong xã Hồ Thầu để cùng đầu tư trồng thảo quả.
Trong thời gian tới, anh Thảo sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thảo quả vì hiện nay loại sản phẩm này tiêu thụ nhanh chóng với giá cao cả trong nước và thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó anh sẽ khoanh vùng một số diện tích rừng trồng thảo quả để phát triển chăn nuôi lợn rừng và gà đen nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình.
"Chia giàu" cho bà con
Năm 2016, số tiền gia đình Ma Văn Anh (31 tuổi, dân tộc Tày, ở xã Thèn Chu Phìn huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) thu về từ trồng thảo quả cũng hơn 200 triệu đồng.
Với số tiền tích góp 4 năm đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, Ma Văn Anh đem mua cây giống trồng thảo quả. Vừa làm, vừa gây giống, diện tích trồng thảo quả nay đã lên tới 10 ha.
Dù đường lên xã biên giới, đi lại khó khăn nhưng thương lái dưới xuôi “lùng” đến tận nơi mua thảo quả. Mỗi ký thảo quả tươi từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, còn để khô bán cũng được giá 600.000 đồng/kg.
Chàng trai người Tày phấn khởi cho biết: “Thấy mình phát triển mô hình trồng thảo quả mang lại hiệu quả kinh tế, bà con bắt đầu làm theo. Mình hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây, dần dần phong trào trồng thảo quả lan ra cả xã, nhiều người ở lại bám đất bám biên không bỏ đi di cư nữa”.
Ma Văn Anh chia sẻ: “Nhiều người dân vùng cao trước đây bị phụ thuộc vào hỗ trợ của nhà nước và lòng hảo tâm của các tổ chức từ thiện nên có phần trì trệ, lười lao động. Tôi chỉ muốn bà con thấy rằng, nếu chịu khó làm ăn, ai cũng có thể thoát nghèo, có của ăn, của để và làm giàu mà không cần phải bỏ xứ ra đi. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất quy mô lớn hơn.
Tôi mong muốn được học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới, góp sức đưa nhiều giống cây đặc sản quý và cây dược liệu trở thành thương hiệu của Hoàng Su Phì, đem lại cuộc sống bền vững cho bà con nơi đây”.
Gia đình anh Lò Văn Sinh, thôn Sơn Thành Thượng ( xã Nậm Khòa) là một trong những hộ có diện tích thảo quả lớn nhất của xã với gần 40 ha. Anh Sinh cho biết: Hiện nay, gia đình anh có gần 20 ha thảo quả đang cho thu hoạch, còn hơn 20 ha đang trong thời kỳ chăm sóc, sang năm là có thể cho thu hoạch.Vụ này, anh ước tính sẽ thu từ 4 - 5 tấn Thảo quả tươi.
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì kiểm tra diện tích Thảo quả của gia đình anh Lò Văn Sinh (giữa), thôn Sơn Thành Thượng, xã Nậm Khòa. (Nguồn: Báo Hà Giang) |
Được biết, giá thu mua thảo quả trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì năm nay tăng cao so với mọi năm. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng thảo quả.
Hiện, toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 2.100 ha cây thảo quả; trong đó, có trên 1.270 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã: Hồ Thầu, Nậm Ty, Nậm Khòa, Túng Sán, Tả Sử Choóng... Những năm qua, cây thảo quả đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân, với giá bán ra thị trường luôn ổn định; mỗi vụ, thảo quả mang về thu nhập tương đối lớn cho nhiều gia đình.
Thùy Dung/nongthonviet.vn