Cẩm Xuyên tổ chức sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn
- Thứ tư - 30/12/2015 02:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vụ đông năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 5, xã Cẩm Thăng) đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5 ha đất lúa cao cạn sang trồng ớt cay. Sản xuất theo chuỗi liên kết nên gia đình chị được Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp NAPAGA Nghệ An cung ứng giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật.
Chị Thanh vui vẻ: “Lần đầu tiên trồng ớt cay để làm hàng hóa nhưng chúng tôi không lúng túng vì được công ty hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, hơn nữa, lại được bao tiêu đầu ra. Chúng tôi cảm thấy rất tin tưởng vào kết quả sản xuất theo phương thức này”.
bà con nông dân thị trấn Cẩm Xuyên trấn chăm sóc ngô vụ đông |
Được biết, thực hiện tổ chức sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn liên kết của huyện, xã Cẩm Thăng đã chuyển đổi 10 ha đất cao cạn sản xuất lúa sang ớt cay. Để sản xuất đạt kết quả cao, xã đã ký kết với Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp NAPAGA Nghệ An cung ứng cây giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Cùng với đó, nhằm đảm bảo việc chuyển đổi theo quy hoạch lâu dài và luân phiên sản xuất các loại cây hoa màu theo từng vụ, xã hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, xây dựng hệ thống mương thoát nước, hàng rào bảo vệ.
Ông Nguyễn Tiến Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Theo tính toán, nếu trồng đúng kỹ thuật, 1 sào ớt cho sản lượng 1,2-1,5 tấn. Với giá cam kết thu mua của Công ty NAPAGA Nghệ An là 5.500 đồng/kg thì 3 tháng sản xuất, mỗi sào sẽ cho thu nhập 7-8 triệu đồng, cao hơn trồng lúa. Mặt khác, đây là vùng đất cao cạn, việc chuyển đổi rất phù hợp trong điều kiện thời tiết hiện nay”.
Tùy điều kiện thực tế, các địa phương ở Cẩm Xuyên đã chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp một cách phù hợp. Thị trấn Cẩm Xuyên thực hiện chuyển đổi theo phương thức cánh đồng lớn, sản xuất 35 ha ngô liên kết với Công ty CP Chăn nuôi bò Bình Hà. Mùa đầu, để tạo thêm động lực cho bà con, thị trấn hỗ trợ tiền cày đất, còn giống và phân bón do công ty cung ứng. Có thể khẳng định, đây là cánh đồng ngô lớn nhất huyện hiện nay.
Theo ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên: Với quan điểm tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái, phù hợp điều kiện thời tiết, vụ đông năm 2016, huyện thực hiện chuyển đổi một cách hợp lý theo hướng tổ chức sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn liên kết.
Theo đó, lựa chọn đối tượng cây trồng có thế mạnh sản xuất hàng hóa để xây dựng mô hình cánh đồng lớn; thực hiện gieo cấy 1 thời vụ - 1 giống - 1 quy trình canh tác - 1 sản phẩm đồng nhất có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng kinh tế. Ngoài chuyển đổi đất cao cạn sang trồng hoa màu có giá trị kinh tế cao, vụ xuân 2016, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo phương thức cánh đồng lớn có các tiêu chí đạt quy định tại các xã: Cẩm Thăng, Cẩm Nam, Cẩm Bình, Cẩm Quang, Cẩm Hưng và 1 cánh đồng sản xuất lúa giống tại Cẩm Thành.
Để tạo động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, huyện tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện giao các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp.
Biện Nhung
Theo Baohatinh.vn