MÔ HÌNH THỦY SẢN TỔNG HỢP

HTX nuôi trồng và thu mua xuất, nhập khẩu hàng thủy sản Loan Hoan Giám đốc: Lê Thị Loan; Điện thoại: 0168.720.1158 Địa chỉ: Thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh
MÔ HÌNH THỦY SẢN TỔNG HỢP

I. Thông tin cơ bản mô hình:
1. Thời gian thành lập: Năm 2011
2. Quy mô sản xuất: 43 ha, trong đó: 38 ha nuôi ngao Bến Tre, 5 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh.
3. Doanh thu: 5,5 tỷ đồng/năm (tôm: 1 tỷ, ngao: 4,5 tỷ).
4. Lợi nhuận: 3 tỷ đồng/năm.
5. Số lượng xã viên: 11 xã viên; Lao động thường xuyên: 35 - 40 lao động; Thu nhập bình quân: 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
II. Đặc trưng mô hình:
HTX Loan Hoan là mô hình điển hình về nuôi trồng và thu mua xuất nhập khẩu hàng thuỷ sản. Trước đây mô hình chủ yếu tập trung vào nuôi ngao thâm canh, năm 2014 đã mạnh dạn chuyển đổi 5 ha ao nuôi tôm, cua quảng canh sang nuôi tôm thâm canh trong ao đất vỗ bờ, lót bạt với năng suất đạt 5 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, HTX còn là cơ sở sản xuất và thu mua sản phẩm ngao tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Quảng Bình, Nghệ An, Huế và Đà Nẵng.
III. Một số thông tin cần cho những người quan tâm để nhân rộng mô hình:
1.     Giống:
- Giống ngao Bến Tre được nhập từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định.
          - Giống tôm thẻ chân trắng được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại xã Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình; Điện thoại: 0963.850.899 (Liên hệ anh Điền).
2. Thức ăn cho tôm thẻ: Sử dụng thức ăn của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; Địa chỉ: số 2, đường 2A, KCN Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Điện thoại: 0963.850.899 (Liên hệ anh Điền).
3. Một số điểm kỹ thuật cần lưu ý về nuôi ngao
3.1. Chọn bãi nuôi
Lựa chọn bãi triều, các eo vịnh có sóng gió nhỏ, nước triều lên xuống. Đáy cát bùn (trong đó cát chiếm 70 - 80%), độ mặn 15 - 25‰, thời gian phơi bãi không quá 4 - 5 giờ/ngày.
3.2. Chuẩn bị bãi nuôi
a. Quây lưới quanh bãi nuôi
 - Nguyên liệu: Lưới xăm, cỡ mắt lưới 2a ≤ 1cm, cao ≤ 80cm; Cọc tre hoặc cọc gỗ để quây lưới.
          - Trình tự quây lưới: Lưới sẽ vùi dưới mặt đất 30 cm và dùng các cọc nhỏ nâng lưới lên so với mặt bãi từ 60 - 70cm. Cứ 1,5m cắm 1 cọc loại nhỏ và 10m cắm một cọc loại lớn để giăng lưới, lưới dựng hơi ngả vào mặt trong bãi.
b. Cải tạo mặt bãi
- Làm vệ sinh mặt bãi, thu gom tất cả những vật lạ ra xa khỏi mặt bãi.
- Cày xới mặt bãi: Khi triều rút cạn dùng bừa hoặc cào xới tơi bề mặt bãi khoảng 5 – 10cm, san phẳng mặt bãi.
- Đánh luống: Luống có cùng hướng với dòng chảy của nước thuỷ triều khi lên xuống. Mỗi luống rộng 1,5m, giữa hai luống làm một lối đi nhỏ. Căng dây trên mặt bãi để tránh hiện tượng ngao di chuyển đi nơi khác.
3.3. Kích cỡ và mật độ thả
- Kích cỡ: 0,5 - 1 cm.
- Mật độ thả: 100 - 180kg/1.000m² tùy vào kích cỡ ngao giống.

3.4. Quản lý và chăm sóc bãi nuôi
Ngao là loại ăn lọc, thức ăn của chúng là các loại động vật, thực vật phù du, mùn bã hữu cơ trong môi trường nước nên không cần cho ăn trong quá trình nuôi. Tuy nhiên ngao là đối tượng rất mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường như ngọt hóa, nhiệt độ nước quá cao >320C kéo dài nhiều ngày, nguồn nước bi ô nhiễm đều có thể làm ngao chết hàng loạt. Do đó, cần quản lý các yếu tố môi trường phù hợp trong suốt quá trình nuôi.



3.5. Thu hoạch: Ngao nuôi sau 15 tháng có thể tiến hành thu hoạch.
4. Một số chính sách hỗ trợ hiện hành: Chính sách về phát triển thủy sản tại Điều 26 Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
5. Địa chỉ một số cơ quan hỗ trợ về kỹ thuật và tư vấn chính sách
- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lộc Hà; Điện thoại: 0393.651.003;
- Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh; Địa chỉ: Số 137, đường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh; Điện thoại: 0393.855.779.