Bán khách sạn tiền tỷ, gom tiền về quê nuôi cá lồng bè
- Thứ tư - 25/07/2018 08:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Hoàng Văn Quang chia sẻ: “Tôi có hơn 20 năm công tác tại Cục Vật tư – Bộ Quốc phòng. Sau khi nghỉ hưu, tôi chuyển sang làm kinh tế. Từ trồng rừng cao su đến trồng tiêu và kinh doanh khách sạn. Tuổi càng nhiều thì con người ta lại càng nặng lòng với quê hương. Bởi vậy, tôi đã thuyết phục vợ con để về quê phát triển kinh tế”.
Khi biết ông Quang có ý định bán cơ ngơi ở Đồng Nai để về quê xây dựng kinh tế, nhiều người cho rằng ông "gàn" và mạo hiểm. "Lúc ấy, khách sạn của gia đình đang kinh doanh thuận lợi. Nhiều người khuyên tôi không nên mạo hiểm nhưng vợ và các con tôi đều chung chí hướng về đầu tư xây tại quê hương. Thời gian đầu, vợ còn theo tôi về quê để giúp đỡ chồng. Hiện tại, mọi việc đã đi vào ổn định nên vợ tôi lại trở vào Nam giúp các con chăm sóc cháu" - ông Quang chia sẻ.
Trở về quê hương, ông Quang bắt tay nghiên cứu điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng vùng miền. Nhận thấy hồ thủy lợi Ba Khe có tiềm năng nuôi cá lồng bè nên ông bắt đầu xây dựng ý tưởng và xin chủ trương xây dựng mô hình kinh tế của xã. Ngay khi được đồng thuận, ông Quang đã “rót” hơn 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình.
Hiện tại, mô hình nuôi cá lồng bè của ông Hoàng Văn Quang đã nhân rộng ra 12 lồng với các loại cá: Diêu hồng, cá leo, lăng, chình, chép... Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 95%.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Bắc - Võ Thị Như Hoa cho biết: “Đợt vừa rồi, đoàn kiểm tra của Hội Nông dân có về khảo sát, đánh giá. Qua đánh giá cho thấy tỷ lệ cá sống đạt cao, phát triển tốt. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đầu tháng 8 có thể thu hoạch”.
Để có những thành công bước đầu trong nuôi cá lồng bè, ông Hoàng Văn Quang đã tự mày mò, áp dụng kỹ thuật. Theo ông Quang, cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm là dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nhiều chủng loại, nhất là những loại đặc sản. Nhờ vậy, giảm chi phí và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ôxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Nhằm tận dụng diện tích mặt nước hồ thủy lợi Ba Khe, ông Quang còn thả hàng nghìn con giống cá rô phi, cá mè bên ngoài lồng. Cá rô phi được ông tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá leo. Thời gian tới, ông Quang dự kiến mở rộng thêm 12 lồng bè khác.
“Về đầu ra cho sản phẩm thì chúng tôi không phải lo vì tuy chưa đến vụ thu hoạch nhưng hiện đã có rất nhiều nhà hàng ở Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, TP Hà Nội gọi điện đặt hàng. Nếu tính theo giá bán trên thị trường hiện nay thì trung bình 1 lồng trừ chi phí vẫn còn lãi từ 40 - 60 triệu đồng” – ông Hoàng Văn Quang cho hay.
Nói về mô hình nuôi cá lồng bè của ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Anh - Nguyễn Xuân Thành cho biết: "Nuôi cá lồng bè trên mặt hồ điều tiết nước sản xuất nông nghiệp là một cách làm sáng tạo, tận dụng được diện tích mặt nước bỏ hoang nhiều năm nay. Chúng tôi đang khuyến khích ông Quang mở rộng mô hình để người dân trong vùng có thể học tập kinh nghiệm".
Với việc đầu tư nuôi cá lồng bè, ông Quang hiện đang tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Theo baohatinh.vn