Nông dân Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ nhà màng, tạo nguồn thu lớn
- Thứ bảy - 09/06/2018 21:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cuối năm 2017, trên cơ sở đơn đặt hàng của Sở KH&CN Hà Tĩnh, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh dưa lưới và hoa cúc trong nhà màng. Đến nay, dự án mới đi được một nửa chặng đường, song, thực tế cho thấy, người dân đã đạt được những hiệu quả kinh tế nhất định.
Theo ông Phan Thành Nam - cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà – Chủ nhiệm dự án, thì việc ứng dụng nhà màng trong sản xuất nông nghiệp loại bỏ được một số loại sâu bệnh hại cây trồng, giúp kiểm soát được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng của chúng trong sản phẩm.
Đặc biệt, loại bỏ được 90% yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống điều chỉnh khí hậu. Đồng thời, nhờ hệ thống tưới, cung cấp chất dinh dưỡng tự động theo tiến độ sinh trưởng của cây nên kiểm soát hoàn toàn dư lượng phân bón, cây phát triển khỏe, năng suất, chất lượng cao.
Tham gia dự án, 5 hộ nông dân thuộc xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà đã thực hiện xây dựng, lắp đặt nhà màng với tổng diện tích 2.000 m2. Ông Hồ Sỹ Thiên (thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn), người tiên phong thực hiện dự án, chia sẻ: "Gia đình tôi xây dựng 400 m2 nhà màng, chi phí hơn 100 triệu đồng. Tháng 2/2018, tôi xuống giống hơn 1.300 cây dưa Kim cô nương. Đến nay, dưa phát triển tốt, trung bình mỗi quả nặng 1,5 kg. Năng suất ước đạt gần 2 tấn, với giá bán hiện tại là 30 nghìn đồng/kg, doanh thu dự kiến đạt gần 60 triệu đồng".
Các hộ còn lại xuống giống trong thời gian từ 30/4 đến 7/5, sử dụng 2 giống Chu Phấn và Phụng Tiên. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, hiện tại đang giai đoạn ra hoa đậu quả. Ông Hồ Sỹ Lưu (thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn) cho hay: Đầu năm 2018, gia đình xây dựng nhà màng với diện tích 342 m2, đến tháng 5, xuống giống 1.000 gốc dưa lưới. Do làm lần đầu nên gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong khâu sản xuất, cây dưa lưới khó tính hơn so với các giống dưa hấu, dưa lê…
Tuy nhiên, được hướng dẫn kỹ thuật, có nhà màng và hệ thống tưới nên cây phát triển tốt. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, hiện tại đã có thương lái đặt mua với giá 30 nghìn đồng/kg. Sau khi thu hoạch, gia đình sẽ xin ý kiến cơ quan chủ trì dự án trồng xen vụ dưa chuột ngắn ngày trước khi xuống giống hoa cúc vào tháng 9 để tăng thêm thu nhập.
Ông Bùi Quốc Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết, đây là mô hình đầu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thâm canh dưa lưới và hoa cúc trong nhà màng trên địa bàn huyện nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Hiện nay, dưa lưới bán trên thị trường chủ yếu được nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng nên thiếu an toàn về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc đưa các giống dưa lưới vào sản xuất theo quy trình công nghệ cao, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, hình thành địa chỉ tin cậy, chỉ dẫn địa lý là mục tiêu hết sức cần thiết hiện nay.
Theo dự tính, nếu người dân trồng 2 vụ dưa lưới và 1 vụ hoa cúc, tổng thu nhập một năm đối với mô hình sản xuất công nghệ cao trong nhà màng là 150 triệu đồng/sào/năm (tương đương với 3 tỷ đồng/ha/năm) - ông Sơn nói thêm.