Nuôi bò hợp tác, mang lại lợi nhuận cao
- Thứ tư - 03/05/2017 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời kỳ bao cấp trước những năm 1980, kinh tế hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh tế tập thể, hoàn toàn do nhà nước quản lý, làm công chấm điểm nên không tránh khỏi tình trạng người làm ít hưởng nhiều, người làm nhiều hưởng ít hoặc làm qua loa cho xong việc... mà không quan tâm đến hiệu quả, chất lượng công việc. Rồi HTX, THT đổi mới, người lao động bỏ vốn vào hợp tác làm ăn, được chia quyền và lợi ích kinh tế, lúc này kinh tế HTX, THT mới thực sự hoạt động hiệu quả.
Các thành viên THT chăn nuôi bò xứ Hốc Lầy khẳng định mô hình này sẽ mang lại nguồn thu lớn cho bà con |
Trong những năm gần đây khi cả nước đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới thì việc phát triển kinh tế theo mô hình HTX, THT ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, để thành lập một HTX cần nhiều yếu tố khắt khe, vì thế mô hình THT là một lựa chọn tối ưu.
Thông qua các chính sách kích cầu của tỉnh, huyện, xã và sự hỗ trợ từ một dự án chăn nuôi của tỉnh Hà Tĩnh, tháng 2/2016, THT chăn nuôi bò xứ Hốc Lầy, xã Sơn Quang được hình thành. Mặc dù chỉ mới hoạt động thời gian ngắn nhưng bước đầu chính quyền địa phương và các hộ dân khẳng định đây là mô hình phù hợp điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khai thác tối đa tiềm năng vùng đồi núi của xã.
Anh Tống Trần Triền (37 tuổi), Tổ trưởng THT tâm sự rằng, anh rất thích mạo hiểm, thử sức làm những cái mới. Tuy nhiên một mình anh không thể đủ nguồn lực đầu tư xây dựng một trang trại chăn nuôi nên anh kêu gọi thêm 6 hộ dân khác trong thôn cùng góp vốn thành lập THT chăn nuôi bò.
Tôi hỏi sao anh không nuôi hươu sao, anh Triền bảo: “Trước đây khi giá nhung hươu lên “đỉnh” thì nuôi hươu là lựa chọn tối ưu nhưng bây giờ giá nhung chỉ bằng một nửa so với trước thì nuôi hươu không còn là lựa chọn số một. Còn nuôi bò vừa dễ chăm sóc, dễ bán lại có thể kết hợp thêm trồng cây ăn quả từ đó tạo nên lợi nhuận kép”.
Theo anh Triền, việc phát triển kinh tế theo mô hình THT tạo sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư với nhau, cùng giúp nhau làm giàu và quan trọng nhất là khắc phục nhược điểm ít vốn của bà con. 7 thành viên trong tổ sau khi góp vốn (mỗi thành viên 35 triệu đồng) đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 13 con bò nái, 1 con bò đực. Việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh chủ yếu do tổ trưởng phụ trách, ngoài ra có thêm 2 - 3 người chuyên cắt cỏ, chăn thả đàn bò trên rừng thông, keo.
Đây là mô hình giúp Sơn Quang chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả |
Ngoài phát triển đàn bò, để bảo vệ môi trường, gia tăng hiệu quả kinh tế, THT sự dụng phân bò bón cho cây ăn quả. Hiện đã có 100 gốc cam Bù được trồng, riêng năm 2016 dù giá cam giảm mạnh nhưng THT cũng thu về trên dưới 50 triệu đồng. |
Sau hơn 1 năm chăm sóc hiện đàn bò đã sinh sản được 4 con bê, theo tính toán của anh Triền, khoảng 4 tháng nữa xuất bán THT sẽ thu về trên 40 triệu đồng. Tuy nhiên, từ những năm sau, khi toàn bộ đàn bò sinh sản thì doanh thu mỗi năm ước đạt trên 100 triệu đồng.
Ông Tống Trần Trọng (68 tuổi) một thành viên trong THT cho hay, mô hình THT chăn nuôi bò xứ Hốc Lầy là mô hình hoàn toàn mới ở Sơn Quang. Tuy chưa thể hiện rõ hiệu quả kinh tế vì đang trong giai đoạn khởi nghiệp nhưng nó đã giải quyết được bài toán việc làm cho những lao động già cả, phụ nữ chân yếu tay mềm trong thôn; đồng thời, tận dụng được hết phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, gốc lạc, phụ phẩm xay xát...
Đặc biệt, khi hoạt động theo mô hình THT tinh thần hăng say lao động được kích thích, mỗi người một việc không ai bảo ai tự tìm việc để làm. Tất nhiên, mọi hoạt động liên quan đến THT đều được họp bàn, thống nhất trên tinh thần công khai, dân chủ.
Việc phân chia lợi ích cũng được ghi rõ trong hợp đồng, sau khi trích phần trăm cho tổ trưởng và người trực tiếp chăm sóc đàn bò, toàn bộ lợi nhuận chia đều cho các thành viên.
Kinh tế hợp tác lên ngôi
Mô hình THT chăn nuôi bò xứ Hốc Lầy phát triển được như hiện nay là nhờ có sự hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa từ chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Sơn Quang cho biết, phát triển mô hình THT là một trong những chỉ tiêu hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Trước đây, trên địa bàn đã có những mô hình nuôi 4 - 5 con bò với sự hỗ trợ vốn vay của nhà nước, tuy nhiên sau một năm thì không còn tồn tại, mất luôn cả vốn.
Các xã vùng núi có diện tích đất trồng cỏ lớn rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò |
Bằng nhiều hình thức kích cầu, hỗ trợ khác nhau, đến thời điểm toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hàng nghìn mô hình THT hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Việc phát triển THT trong giai đoạn này xuất phát từ nhu cầu muốn làm giàu của người dân chứ không đơn thuần là đối phó hay miễn cưỡng như trước đây. |
Việc xây dựng mô hình THT là hướng đến một nền chăn nuôi nông hộ bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, có sự quản lý, điều hành của tổ trưởng, tổ phó và sự giám sát của các thành viên. Mô hình này không đòi hỏi nhiều vốn nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao và quan trọng nhất là phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, khí hậu huyện vùng núi Hương Sơn nói chung, Sơn Quang nói riêng.
“Hiện tại toàn xã đã có 5 mô hình nuôi từ 10 con bò trở lên. Trong đó, 2 HTX, 2 THT và 1 hộ gia đình. Mỗi hình thái hoạt động đều có một ưu điểm riêng nhưng mô hình THT đang thể hiện ưu thế vượt trội là vốn đầu tư ban đầu vừa phải; thủ tục thành lập đơn giản; đặc biệt, chăn nuôi bò góp phần giúp địa phương thực hiện đề án chuyển đổi rừng kém hiệu quả sang phát triển trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa bền vững”, ông Lĩnh nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Sơn Quang, người dân làm kinh tế hợp tác thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào việc quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Hiện Sơn Quang đang dành một quỹ đất khá lớn do xã quản lý để hỗ trợ cho những doanh nghiệp, hộ gia đình muốn phát triển chăn nuôi bò theo mô hình HTX, THT, tất nhiên việc phát triển nằm trong quy hoạch, không làm ồ ạt để đảm bảo đầu ra luôn ổn định. Theo đó, HTX được cấp hơn 1ha; THT 0,5ha để trồng cỏ. Ngoài ra, hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Chương trình NTM của tỉnh, huyện.
Đánh giá về mô hình THT chăn nuôi bò xứ Hốc Lầy, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn Lê Quang Hồ khẳng định: “Đây là một trong những mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả phù hợp để nhân rộng ở các xã vùng núi có diện tích đất vườn đồi và đất màu trồng cỏ từ 3ha trở lên. Sắp tới huyện tiếp tục khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo mô hình này, từng bước hướng tới chăn nuôi theo quy mô tập trung, bảo vệ môi trường”.
Theo Thanh Nga/nongnghiep.vn