Hà Tĩnh đề nghị công nhận Bản Rào Tre là bản truyền thống tiêu biểu cần được bảo tồn

Ngày 23/02/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Bản Rào Tre (ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê) là bản truyền thống tiêu biểu cần được bảo tồn trong những năm tiếp theo và cho phép triển khai dự án bảo tồn bản truyền thống dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020.
Nguồn ảnh từ Intenet
 
Theo đó, thực hiện Quyết định số 4105/QĐ-BVHTTTDL ngày 30/10/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phê duyệt tiêu chí điều tra bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống các dân tộc thiểu số thuộc chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng đời sống và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chứt ở Bản Rào Tre. Tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành chọn địa điểm để xây dựng Trung tâm bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Chứt nằm dưới chân núi Cà Đay có chiều rộng 65m, chiều sâu 40m, trong khuôn viên đất của hộ Hồ Viết Bốn và Hồ Thị Hợi (là 2 hộ thuộc đối tượng di dân vào vùng quy hoạch đã được xây dựng).
 
Được biết, Bản Rào Tre hiện có 41 hộ dân với 147 nhân khẩu là đồng bào người dân tộc Chứt. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã và sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh nói chung đã từng bước ổn định, đồng bào đã sống định cư thành bản, biết sản xuất lúa nước, chăn nuôi, trồng rừng, con cái đến tuổi đều được đi học. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt thường xuyên được quan tâm. Đặc biệt, ngày 03/9/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2751/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt. Tuy nhiên, đời sống hiện tại của bà con dân tộc Chứt gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến giống nòi. Vì vậy, việc công nhận Bản Rào Tre là bản truyền thống tiêu biểu cần được bảo tồn là việc làm cần thiết, có ý nghĩa đối với bà con dân tộc Chứt.
Nguyễn Nga
Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch