Việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng văn minh, nề nếp
- Thứ bảy - 17/01/2015 06:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuyển biến nhưng... còn vi phạm!
Sau khi Chỉ thị 20-CT/TU và Quyết định 31/2012/QĐ-UBND đi vào đời sống, nhiều thủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang được loại bỏ. Nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp trong việc cưới được duy trì phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Việc tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, do các đoàn, hội thôn, xóm đứng ra giúp đỡ. Dịp tết đến, xuân về, việc mừng thọ các cụ cao niên cũng đã có nhiều đổi mới, chỉ một ít hạt dưa, trầu cau, nước chè để tiếp khách đến chúc thọ, không tổ chức mâm cỗ linh đình như trước.
Hội thi Nông thôn ngày mới của huyện Thạch Hà |
Đặc biệt, nhờ nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 20 và Quyết định 31 nên công tác tổ chức, quản lý lễ hội, ngày lễ kỷ niệm có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, trước và trong khi diễn ra lễ hội, các đơn vị chuyên môn ngành văn hóa, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra các địa điểm tổ chức, lên kế hoạch chi tiết cho các phần việc. Nhờ vậy, đến nay, cơ bản các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, vui tươi và tiết kiệm.
Ông Hoàng Ngọc Thuận - Bí thư chi bộ thôn 9, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) khẳng định: “Chỉ thị 20 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời và được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Đối với Cẩm Lĩnh, đời sống người dân còn khó khăn nên việc tiết kiệm trong tổ chức cưới hỏi, tang lễ, hội tết lại càng có ý nghĩa thiết thực…”.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU và Quyết định 31/2012/QĐ-UBND vẫn còn một số tồn tại. Ông Thái Văn Sinh - Chánh văn phòng BCĐ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Sở VH-TT&DL cho rằng, nhiều hộ dân, trong đó có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn tổ chức đám cưới linh đình, có tính chất phô trương. Thậm chí, nhiều trường hợp sau khi tổ chức đám cưới, còn tổ chức liên hoan rình rang, tốn kém. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè dựng rạp vẫn còn phổ biến, gây mất trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường… nhưng dường như chưa có trường hợp nào bị xử lý. Cán bộ, công chức, viên chức dự đám cưới trong giờ làm việc vẫn còn nhiều. Việc rải vàng mã trong tang lễ, cất bốc mộ vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi.
Trong việc quản lý và tổ chức lễ hội, vẫn còn tình trạng lợi dụng kinh doanh để trục lợi; đốt vàng mã, rắc muối, gạo, gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Đặc biệt, công tác đảm bảo an ninh trật tự, y tế tại các điểm lễ hội còn khá lỏng lẽo, dẫn đến tình trạng gây gổ đánh nhau, tai nạn giao thông...
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Theo ông Thái Văn Sinh, để Chỉ thị 20 và Quyết định 31 thực sự đi vào cuộc sống cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, để người dân có sự chuyển biến trong nhận thức và tự giác hành động. Trong đó, quan trọng nhất là vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về công tác này. Đồng thời, đơn vị quản lý, đặc biệt là chính quyền các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm tại địa bàn mình để răn đe.
Đối với các làng quê, bên cạnh việc áp dụng chế tài pháp luật, cần phát huy hiệu quả của các hương ước, quy ước của làng trong việc vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh. Trước mỗi mùa lễ hội, các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương cần hướng dẫn cụ thể cho người dân về các quy định, soát xét kỹ mọi mặt về công tác chuẩn bị.
Tết đến, xuân về, mong rằng, các cấp, ngành tiếp tục có nhiều giải pháp, cách làm hay để người dân được đón tết sum vầy, ấm áp; một mùa trẩy hội vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Phúc Quang
Theo baohatinh.vn