Ngành Y tế Hà Tĩnh - Thành công và mong đợi

Ngành Y tế Hà Tĩnh - Thành công và mong đợi
60 năm hình thành và phát triển, ngành Y tế Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành tựu, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới, ngành còn phải tiếp tục nỗ lực rất lớn.

Dưới đây là một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Đưa vào sử dụng hệ thống chụp CT Scanner 64 dãy - 128 lát

Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa khai trương hệ thống chụp CT Scanner 64 dãy - 128 lát giúp cho các thầy thuốc chẩn đoán sớm, chính xác các bệnh lý tim mạch, cột sống, cơ xương khớp, bệnh lý các tạng trong lồng ngực, ổ bụng…

Ông Đoàn Đình Anh - Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh: Cử tri ghi nhận sự đổi thay của ngành Y tế Hà Tĩnh

Từ năm 2011 trở về trước, trong các kỳ tiếp xúc cử tri, lúc nào nhân dân cũng bức xúc với các vấn đề liên quan đến ngành Y tế như tinh thần, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của bác sỹ, vấn đề vệ sinh môi trường trong các bệnh viện… Từ 2012 trở lại đây, đặc biệt là năm 2013, 2014, hầu hết cử tri ghi nhận sự nỗ lực đổi thay của ngành Y tế, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo chiều hướng tích cực, ngày càng đáp ứng sự hài lòng của người dân. Tuy vậy, vẫn còn một số ý kiến than phiền về tinh thần, thái độ phục vụ ở một số nơi, về chất lượng của một số dịch vụ… Điều này đòi hỏi ngành Y tế tiếp tục quan tâm khắc phục.

Bác sỹ Nguyễn Huy Thành - nguyên Giám đốc Sở Y tế: Công tác cán bộ là vấn đề mấu chốt

Dù bất cứ giai đoạn nào thì chiến lược và chính sách cán bộ vẫn luôn quyết định sự phát triển của ngành Y tế. Những năm 90, sau khi tách tỉnh Nghệ Tĩnh, Hà Tĩnh trở về trong điều kiện hết sức khó khăn. Cơ sở vật chất yếu kém; bác sỹ thiếu trầm trọng; không có bác sỹ chuyên sâu; cán bộ y tế trạm thì không có lương nên không chuyên tâm công tác. Trước thực trạng đó, ngành Y tế đã tập trung củng cố công tác cán bộ, từ tỉnh đến huyện, xã, trong đó, chú trọng công tác đào tạo. Cùng với đó, ngành tập trung xây dựng và triển khai đề án quản lý theo ngành dọc. Chỉ sau 4 năm kể từ khi tách tỉnh, Y tế Hà Tĩnh đã trở thành lá cờ đầu của cả nước; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Hiện nay, ngành Y tế Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc, kể cả mạng lưới, cơ sở vật chất, quy mô bệnh viện và chất lượng chuyên môn. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi trăn trở là niềm tin của người dân. Có một thời gian khá dài, người dân thiếu niềm tin đối với bệnh viện. Mặc dù, đã có tiến bộ rõ nét trong những năm gần đây nhưng ngành Y tế Hà Tĩnh cần phải tiếp tục nỗ lực. Và dù trong giai đoạn nào, điều quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ, phải công tâm và có những chính sách để động viên cán bộ phấn khởi, hăng hái làm việc.

Bác sỹ Đoàn Bắc Lý - Trưởng Trạm Y tế xã Hương Minh (Vũ Quang): Về cơ sở là nghĩa vụ có thời hạn của mỗi bác sỹ

Thời gian gần đây, công tác y tế ở miền núi đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vùng núi thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, nhất là thiếu đội ngũ bác sỹ. Để tháo gỡ khó khăn này, thiết nghĩ, trước mắt, tỉnh cần có chính sách cụ thể hơn về thu hút nhân lực, chế độ cho bác sỹ trẻ về tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Và nên chăng, cần xem xét việc về tuyến cơ sở như là nghĩa vụ có thời hạn đối với mỗi bác sỹ sau khi ra trường. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách riêng về đầu tư, đào tạo phát triển y tế miền núi để các dịch vụ y tế chất lượng cao ngày càng đến gần dân hơn.

Ông Nguyễn Văn Tiến (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên): Mong ngành Y tế tiếp tục quan tâm, hướng dẫn người dân phòng chống bệnh tật

Chúng tôi là ngư dân, thường phải đi biển dài ngày và đối mặt với nhiều rủi ro về ốm đau, thương tích nên lúc nào trên thuyền cũng phải có một số thuốc dự phòng. Vừa qua, được ngành Y tế trao tặng tủ thuốc và hướng dẫn cách sơ cứu ban đầu về phòng một số bệnh thông thường, chúng tôi đã có thêm những kỹ năng cần thiết để tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Chúng tôi mong muốn, ngành Y tế tiếp tục quan tâm hướng dẫn để ngư dân được nâng cao kiến thức về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Điều này không chỉ cần cho chúng tôi mà còn rất quan trọng đối với tất cả người dân.

Bác sỹ Phạm Hữu Đà (Khoa Tim mạch và Lão học - Bệnh viện Đa khoa tỉnh): Cơ hội và thách thức đối với bác sỹ trẻ

Với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực, cộng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành Y tế nói chung và các bác sỹ trẻ nói riêng. Đó là sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ đã mở ra nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị mới, đem lại nhiều lựa chọn cho các bác sỹ cũng như người bệnh; mô hình bệnh tật cũng đang thay đổi, hình thành mô hình bệnh tật kép, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ nặng nề đối với người thầy thuốc. Với những thầy thuốc trẻ, đó chính là cơ hội rèn luyện bản thân, phát huy năng lực, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thách thức lớn đòi hỏi các bác sỹ trẻ phải không ngừng học tập, nâng cao kiến thức tổng hợp, làm giàu kiến thức chuyên sâu và trau dồi đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng niềm tin đối với nhân dân.

P.V
Theo Baohatinh.vn