Chủ động phòng chống rét đậm, rét hại, hạn chế thấp nhất thiệt hại
- Thứ bảy - 03/02/2018 10:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với kinh nghiệm của địa phương; cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng, chống đói, rét, dịch cho vật nuôi, cây trồng...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về việc thực hiện công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng. Chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch sản xuất, chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất, phù hợp với cây trồng, vật nuôi và thủy sản và diễn biến thời tiết. Phối hợp với các địa phương cập nhật, tổng hợp đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi, thủy sản, cây trồng bị thiệt hại để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời.
Bộ Y tế hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân...
* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hôm nay 3-2, việc lấy nước đợt 2 phục vụ gieo cấy lúa đông xuân sẽ kết thúc vào lúc 24 giờ, tức là sớm hơn một ngày so kế hoạch. Nhằm tận dụng nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, Tổng cục Thủy lợi yêu cầu giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp các đơn vị có liên quan điều chỉnh kế hoạch lấy nước phù hợp với lịch lấy nước được rút ngắn.
* Thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước dự báo thiếu hụt hơn so với trung bình nhiều năm, mặc dù vậy Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Ðuống phấn đấu cung cấp đủ nước cho nông dân gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Vụ đông xuân này, hệ thống chính thức đổ ải từ ngày 10-1, sau khi kết thúc đợt xả 1 và hai ngày xả đợt 2, diện tích có nước của hệ thống được 6.828 ha trong số 20.992 ha, đạt 33%.
* Vụ đông xuân năm nay, toàn TP Hà Nội gieo cấy 97.870 ha lúa, với các giống chủ yếu như Bắc Thơm, Thiên Ưu 8, TBR36, Nhị ưu 838, TH3-3... Khung thời vụ gieo mạ trà xuân muộn, tập trung từ ngày 25-1 đến 5-2. Thời vụ cấy sau tiết lập xuân từ ngày 5 đến 26-2, tập trung cấy sau Tết Âm lịch chiếm hơn 50% diện tích. Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, để bảo vệ trà mạ mới gieo, tất cả nông dân ở các địa phương đều áp dụng những biện pháp kỹ thuật như che phủ ni-lông, bón lót phân lân, rắc tro bếp... để giữ ấm cho mạ.
* Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường mạnh đã khiến nhiệt độ tại xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) xuống thấp ở mức từ 20C đến âm 20C. Huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp bám sát địa bàn, phối hợp chính quyền các xã vận động nhân dân không chăn thả đàn trâu, bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Ðồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố, che chắn, vệ sinh chuồng trại; chủ động dự trữ thức ăn phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc; chăm sóc, bảo vệ diện tích cây rau, màu nhằm hạn chế thiệt hại.
* Từ đêm 30-1 đến nay, trên đỉnh Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) xuất hiện băng giá dày đặc. Ðể bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, xã đã chỉ đạo cán bộ xuống thôn, bản vận động người dân đưa gia súc về chuồng nuôi nhốt, chuẩn bị thức ăn, đồng thời hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc. Xã cũng chỉ đạo các thôn, bản tạm dừng hoạt động gieo cấy vụ đông xuân, đợi thời tiết ấm lên mới tiếp tục gieo cấy.
* Tính đến ngày 2-2, rét đậm rét hại trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm chết hơn 540 con trâu, bò, dê, cừu, và nai; hơn 170 con lợn và 130 con gia cầm. Thiệt hại nặng nhất là các huyện vùng cao như Bắc Yên, Mộc Châu, Thuận Châu, Mường La. Ðể hạn chế gia súc gia cầm bị chết do rét, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã cử nhiều đoàn về các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ giúp người dân cách phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi.
* Ðể ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các đoàn công tác về từng thôn, bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở và người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, nhất là bảo vệ cây ăn quả, cây công nghiệp, rau, hoa... phục vụ Tết Nguyên đán, diện tích mạ mới gieo và đàn trâu, bò, thủy sản. Một số xã như Ðông Hải, Ðiền Xá, Ðông Ngũ (Tiên Yên) đã bố trí xây khu chuồng trâu tập trung với kinh phí 300 triệu đồng để hỗ trợ cho nhân dân.
Theo Báo Nhân dân