Chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại lúa

Chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại lúa
Trước thời tiết bất lợi, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh không loại trừ các loại sâu bệnh gây hại trong vụ hè thu tới, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen phương Nam.

Chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại lúaChiều 30/5, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật quản lý đối tượng gây bệnh cho cây trồng vụ hè thu 2018 với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị liên quan ngành NN&PTNT và cán bộ Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, thị xã

Bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại cây trồng thuộc phân nhóm 2, môi giới truyền bệnh từ rầy lưng trắng theo kiễu bền vững tích lũy. Rầy lưng trắng mang virus trong cơ thể di trú, truyền vi rút cho mạ ngay từ đầu vụ và sau đó ủ bệnh trong cây lúa.

Lùn sọc đen truyền bệnh rất nhanh, vi rút tự nhân lên trong cây. Rầy lưng trắng tiếp tục chích hút cây lúa bệnh truyền sang cho cây khỏe và di trú, truyền bệnh cho lúa ở vùng khác. Biểu hiện triệu chứng rõ nhất khi lúa ở giai đoạn phấn hóa – trổ, diện tích bị nhiễm bệnh sẽ tăng rất nhanh ở giai đoạn này.

Lúa bị nhiễm bệnh càng sớm (mạ - lúa hồi xanh – bắt đầu đẻ nhánh) thì càng bị thiệt hại nặng về năng suất.

Chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại lúaĐại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật: Năm 2010 có khoảng 2500 ha diện tích lúa bị nhiễm bệnh, trong đó 1400 ha phải tiêu hủy; năm 2017 ghi nhận một số diện tích có virus dương tính nhưng dịch không bùng phát.

Tại buổi tập huấn, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đề nghị các cơ quan chuyên môn, các địa phương cần phải làm tốt công tác cảnh báo, dự báo để phòng trừ hiệu quả bệnh lùn sọc đen cho sản xuất vụ hè thu.

Trước hết các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ lúa Xuân ngay sau khi thu hoạch để ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh phát triển. Căn cứ vào khung thời vụ chung của tỉnh, chỉ đạo gieo cấy tập trung, đồng loạt, phấn đấu mỗi cánh đồng kết thúc khoảng 1 – 2 ngày.

Mỗi huyện đặt ít nhất một bẫy đèn để giám sát rầy lưng trắng ở những nơi bệnh phát sinh sớm và bị hại nặng ở các vụ trước, năm trước. Ngoài ra, không gieo mạ ven đường giao thông, nơi có nguồn sáng mạnh sẽ thu hút rầy lưng trắng đến truyền bệnh. Đồng thời, xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật (Cruises Plus 312.5FS, Routine 200SC...); phun tiễn chân mạ trước khi cấy 2 - 3 ngày ở những vùng đã bị bệnh và vùng nguy cơ bị bệnh cao.

Theo Hoàng Long/baohatinh.vn