Con đường bền vững nhất cho nông nghiệp

Con đường bền vững nhất cho nông nghiệp
Một nền “nông nghiệp chất lượng cao” là con đường bền vững nhất để nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam đứng vững và phát triển trong kỷ nguyên hội nhập.

Con đường bền vững nhất cho nông nghiệp
Ảnh minh họa

Để đột phá, nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng đưa chất xám vào nông thôn, xây dựng chuỗi ngành hàng, nâng cao giá trị gia tăng và áp dụng chính sách nông nghiệp vì nông dân.

5 "luật chơi" của thị trường nông sản thế giới

Trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2007, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam là 8,3 tỷ USD; đến năm 2012 đạt 27,5 tỷ USD, tăng gấp 3,4 lần so với năm trước khi hội nhập.

Mặc dù đây là bước phát triển rất thành công và ngoạn mục của đất nước, nhưng nếu đầu tư tích cực và nghiêm chỉnh vào việc xây dựng chuỗi ngành hàng nông nghiệp đặt trọng tâm vào chất lượng, trong đó có nâng cao giá trị gia tăng, an toàn vệ sinh thực phẩm và áp dụng chính sách nông nghiệp vì nông dân, chắc chắn bộ mặt của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam khác xa so với hiện nay.

Thực tế buộc Việt Nam luôn phải đối diện với 5 "luật chơi" cực kỳ khó khăn so với trình độ của nông dân và thực trạng của nông thôn Việt Nam.

Thứ nhất, hàng hoá lưu hành trong thị trường nông sản ngày nay lớn về số (trăm tấn, vạn tấn) nhưng phải đồng bộ về chất lượng nên không thích hợp với kiểu canh tác manh mún, nhỏ lẻ của Việt Nam. Giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, cánh đồng sản xuất lớn, và cơ giới hóa tự động hóa là giải pháp cho luật chơi này.

Thứ hai, hàng hoá phải có chứng nhận “sản xuất nông nghiệp tốt GAP” hoặc “sản xuất chế biến tốt GMP” dựa trên cam kết về Kiểm dịch động thực vật SBS với WTO. Áp dụng VietGAP hoặc những quy trình sản xuất nông nghiệp tốt quốc tế khác như GLOBALGAP, US Harmonized, JGAP, UTZ v.v… là những quy trình bắt buộc nông dân Việt Nam phải tuân thủ.

Thứ ba, hàng hóa vừa phải có những chứng minh về nguồn gốc (chứng chỉ xác nhận giống không thuộc loại cây biến đổi gien GMO), chất lượng (hàm lượng protein, chống oxy-hoá, Vitamin…), vừa phải đồng nhất (giống, kích cở, màu sắc, bao bì, nhãn mác) để chứng minh mặt hàng có chất lượng cao.

Giống, phương pháp canh tác và bảo quản hiện đại, tốt để bảo đảm chất lượng cao của mặt hàng nông nghiệp Việt Nam.

Thứ tư, tuy WTO là một sân chơi dựa trên nguyên tắc tự do mậu dịch, cho phép các quốc gia thành viên được quyền mua bán hàng hóa với nhau mà không vấp phải một rào cản nào. Nhưng trong thực tế lại có rất nhiều rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng lên (ví dụ buộc phải có chứng chỉ GAP trong đó có những ngưỡng tối đa cho phép MRL về thuốc BVTV rất thấp), khiến nông dân và doanh nghiệp Việt Nam phải được trang bị kiến thức và kỹ năng khoa học để vượt qua những rào cản khó khăn này.

Thứ 5, để yểm trợ cho cạnh tranh, giá cả là yếu tố quyết định cuối cùng. Nếu không được hỗ trợ trong quản lý, luật chơi này sẽ ép nông dân bán sản phẩm với giá rẻ mạt, không còn mang ý nghĩa của chiến lược quốc gia “giá rẻ cạnh tranh”.

Con đường bền vững nhất cho nông nghiệp
Ảnh minh họa

Những hạn chế của nông nghiệp Việt Nam

Đến năm 2011, Việt Nam sử dụng hơn 7,5 triệu ha (thực số 3,9 triệu ha) để trồng lúa, trong khi chỉ có khoảng 2 triệu ha trồng cao su, cà phê, hạt điều, dừa, trà, hạt tiêu và 1,5 triệu ha trồng rau hoa quả. Đây là bước phát triển không cân đối vì lúa vẫn còn mang tính độc canh, chiếm hơn 80% diện tích canh tác trong năm của cả nước, trong khi rau hoa quả có thị trường xuất khẩu lớn hơn nhiều thì lại ít phát triển, chỉ chiếm 16%.

Trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, lúa gạo có thị trường nhập khẩu khoảng 17 tỷ USD; cà phê, cao su có thị trường dưới 10 tỷ USD. Các loại nông sản khác như chè có khoảng 5 tỷ USD và hạt điều, hồ tiêu thì có khoảng gần 2 tỷ USD. Nhưng trong thực tế, mặt hàng xuất khẩu thấp nhất của Việt Nam là rau, hoa, quả lại có thị trường nhập khẩu lớn nhất, gấp 7 lần so với lúa gạo.

Mức độ đầu tư về nhân sự, nghiên cứu khoa học, đất đai và cơ sở tổ chức của các ngành rau hoa quả, chè, hạt điều, hạt tiêu... so với lúa gạo cũng kém xa. Về mặt canh tác, điểm yếu của độc canh là dễ dàng phát sinh bệnh hại, dẫn đến việc phải dùng một lượng rất lớn thuốc bảo vệ thực vật, làm ô nhiễm không những cho sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của bản thân người nông dân sử dụng nó.

Tuy Việt Nam đã đi tắt đón đầu nhờ lợi thế đi sau bằng cách du nhập, thử nghiệm, cải thiện để ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới trong việc xây dựng một nền nông nghiệp thích hợp. Song chúng ta gặp nhiều khó khăn lớn xuất phát từ yếu kém trong công nghệ (giống, phương pháp sản xuất, công nghệ sau thu hoạch và bảo quản, chế biến, ứng dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP) và tổ chức chồng chéo, chưa hình thành được chuỗi ngành hàng đồng nhất nên không đạt kết quả mong muốn, làm các mặt hàng nông sản chủ yếu của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, chè... có chất lượng kém dẫn đến hệ quả là xuất khẩu với giá rất thấp, chỉ khoảng 50-60% giá trung bình thế giới.

Chúng ta vẫn luôn quan tâm đến việc tăng năng suất hơn là tăng chất lượng, vẫn thích sản xuất thật nhiều sản phẩm thô hơn là đầu tư thêm chất xám để gia tăng giá trị nông sản. Điều này vô tình đã làm thui chột tri thức và sự sáng tạo của thành phần nông dân, đưa nông thôn vào cảnh không có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu.

Vì chất lượng kém nên ngoài việc sản phẩm nông sản/lương thực bị loại bỏ tại chỗ hoặc bị trả về nước, giá xuất khẩu thấp là một thiệt hại rất lớn cho Việt Nam. Thiệt hại này không phải chỉ bó gọn trong số kim ngạch kém đi cho đất nước mà chính là sự lãng phí trong việc sử dụng trí thức, không tạo cơ hội để giới trí thức đóng góp công nghệ cao và chất xám vào sản xuất.

Xuất khẩu mặt hàng thô đã buộc chúng ta phải sử dụng tối đa nguồn lực làm kiệt quệ tài nguyên đất nước, đơn giản hóa và hạ thấp kỹ năng của nông dân và người lao động Việt Nam. Nhìn vào giá của 3 nước lớn nhất nhập khẩu 3 mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê và cao su, chúng ta sẽ thấy lúc nào Việt Nam cũng có giá xuất khẩu thấp nhất.

Nghiên cứu giải pháp từ Australia

Australia là một quốc gia non trẻ, đất rộng người thưa, khí hậu khắc nghiệt, chưa có một ngành nghề nào gọi là truyền thống, kể cả nông nghiệp cho nên có thể nói tất cả các cây, con và công nghệ sản xuất hiện đang sử dụng tại nước này đều có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài.

Để phát huy tối đa diện tích đất đai rất lớn nhưng khí hậu khắc nghiệt, ngay từ đầu Australia đã xây dựng các Viện nghiên cứu có mục đích nhập khẩu giống và công nghệ để khảo cứu, kiểm chứng, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho nông dân.

Với xu hướng phát triển và hội nhập, Australia chuyển những Viện nghiên cứu mang tính cục bộ thành những Trung tâm Xuất sắc (Centre of Excellence) mang tính chuỗi giá trị cho một ngành hàng đặc biệt trên một vùng sinh thái.

Ví dụ, bang New South Wales đã xây dựng ở vùng lục địa miền Tây Bắc ở Narrabri nơi có khí hậu khô, nóng một Trung tâm xuất sắc về ngành Bông vải và Cải dầu; vùng miền Bắc gần duyên hải ở Armidale có khí hậu khô nhưng mát mẻ hơn nên có Trung tâm xuất sắc về ngành Bò thịt; vùng lục địa rộng mênh mông miền Tây Nam ở Yanco khí hậu mùa hè khô, nóng, ánh sáng chan hòa nên có Trung tâm xuất sắc về Lúa gạo....

Hình thức tổ chức này đã giúp cơ quan nông nghiệp của New South Wales nghiên cứu và giải quyết ngay tức khắc nhiều vấn đề theo từng ngành hàng nông sản vừa cục bộ, vừa có tính thời sự quốc tế, hình thành thương hiệu về chất lượng, các sản phẩm có giá trị gia tăng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thêm sức mạnh cho cạnh tranh trong xuất khẩu.

Chất lượng và hàm lượng chất xám cao cho nông sản là mục tiêu hàng đầu trong tất cả những nỗ lực của khoa học nông nghiệp Australia. Với một nền nông nghiệp đại điền (130.000 nông trại quản lý một diện tích 46 triệu ha, trung bình 1 nông trại có diện tích 354 ha), xuất khẩu đến 65% nông lâm thủy sản nên Australia xem trọng hội nhập và thị trường xuất khẩu.

Để làm được vậy, Chính phủ Australia đã thực hiện nhiều “chính sách nông nghiệp vì nông dân”, giúp nông dân làm chủ nông thôn bằng cách nâng cao trí thức, kỹ năng ngành nghề và năng lực cạnh tranh quốc tế, để qua đấy nâng cao thu nhập, ổn định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, yêu làng để xây dựng nông thôn mới, tránh hiện tượng bỏ quê lên thành phố.

Chính sách nông nghiệp vì nông dân nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của nông dân ở nông thôn nên nhà nước cũng đã hợp lý hóa những thể thức hành chính và xây dựng đội ngũ chính quyền ở nông thôn sao cho các chương trình về giáo dục, đào tạo kỹ năng, quản lý nông trại và tài nguyên thiên nhiên, cũng như tư vấn cho nông dân thông tin và tình hình tài chính trong và ngoài nước được thi hành một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

Trở lại với nền nông nghiệp nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 899/QĐ-TTg “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”… sẽ là bước đột phá trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nếu biết xem trọng vai trò chủ thể của nông dân.

Đất có thể canh tác của Việt Nam đã khai thác gần hết. Tài nguyên cũng đã cạn kiệt. Thanh niên trẻ ở nông thôn bỏ lên thành phố cũng đã khá nhiều. Năng suất trên một đơn vị diện tích tuy có tăng nhưng sẽ không tăng vọt như mấy năm qua nữa. Vậy để đột phá, nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường, đó là nhanh chóng đưa chất xám vào nông thôn, xây dựng chuỗi ngành hàng, nâng cao giá trị gia tăng và áp dụng chính sách nông nghiệp vì nông dân.

Một nền “nông nghiệp chất lượng cao” là con đường bền vững nhất để nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam đứng vững và phát triển trong kỷ nguyên hội nhập.

TS. Nguyễn Quốc Vọng

(Đại học RMIT, Melbourne Vic 3001 - Australia)

Theo chinhphu.vn