Hà Tĩnh: Trao bằng công nhận nghề và làng nghề truyền thống

Hà Tĩnh: Trao bằng công nhận nghề và làng nghề truyền thống
Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh phối hợp với huyện Can Lộc vừa tổ chức trao quyết định và bằng công nhận cho nghề chiếu cói Nam Sơn (thị trấn Nghèn) và làng nghề mộc Tràng Đình (xã Yên Lộc).
 

Trao bằng công nhận nghề chiếu cói Nam Sơn.
 
Trải qua hàng trăm năm với những giai đoạn lịch sử khác nhau, nghề chiếu cói Nam Sơn (thị trấn Nghèn) luôn được duy trì và phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thời điểm nông nhàn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Tuy gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do cơ chế thị trường mang lại nhưng hiện nay trên địa bàn vẫn còn hơn 100 hộ tiếp tục sản xuất các mặt hàng chiếu cói phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo công việc cho hơn 350 lao động tại địa phương với tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
 

Trao bằng công nhận làng nghề mộc Tràng Đình.
 
Làng nghề mộc Tràng Đình hình thành từ năm 1950 hiện tập trung ở hai xóm Đình Sơn và Tràng Sơn (xã Yên Lộc) với 230 hộ làm nghề. Sử dụng nguồn nguyên liệu là các loại gỗ có nguồn gốc từ Hương Khê (Hà Tĩnh), Quỳ Hợp (Nghệ An), Quảng Bình, Malaysia… và một lượng lớn gỗ vườn như xoan, keo, tràm, mít để tạo ra sản phẩm là đồ dùng mỹ nghệ, các mặt hàng cao cấp lát và trần nhà phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, làng nghề Mộc Tràng Đình sẽ sớm tiến hành xây dựng theo tiêu chuẩn nông thôn mới, đảm bảo  hiệu quả kinh tế cao; vận động các hộ gia đình thành lập doanh nghệp, HTX sản xuất theo hướng CNH - HĐH, tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu làng nghề mộc Tràng Đình Yên Lộc, được ở thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Võ Quang Đạt 
UBND huyện Can Lộc