Hà Tĩnh: Chủ động phòng chống dịch cúm trên gia cầm
- Thứ năm - 20/02/2020 04:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã phát sinh và đang có chiều hướng lây lan rộng tại các tỉnh đang có dịch. Điều đáng quan ngại ở Hà Tĩnh là tỷ lệ tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm đạt thấp, trong khi tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm qua điều tra, xét nghiệm mẫu tại các địa phương trong thời gian qua khá cao. Mặt khác việc vận chuyển và cung ứng con giống để phát triển chăn nuôi sau Tết tăng, vì vậy nguy cơ phát sinh và lây lan dịch vào địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao. Cùng với đó các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, đảm bảo nguồn thức ăn để bảo vệ đàn gia cầm.
Trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình chị Nguyễn Thị Lý nằm ở vùng gò đồi thôn Thượng Phú xã Hồng Lộc huyện Lộc Hà, với tổng đàn đàn gồm 500 con gà thịt, 200 con gà đẻ, 200 con vịt và 100 con ngan. Là hộ chăn nuôi quy mô lớn và đã có kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi gia cầm nên việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi luôn được chị Lý quan tâm hàng đầu, nhất là khi thời tiết mưa ẩm như hiện nay. Ngoài việc hằng ngày cho ăn đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột và tiêm phòng định kỳ theo khuyến cáo của ngành Thú y, chị luôn chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh kế hoạch tiêm phòng, bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Long ở thôn Bắc Văn (xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà) chia sẽ: “Hiện tại gia đình tôi có tổng đàn gà thịt hơn 1.500 con. Mặc dù quá trình nuôi tôi luôn chú trọng đến công tác phòng dịch, nhưng khi nghe tin cúm gia cầm đã xuất hiện tại tỉnh Nghệ An, tôi không khỏi lo lắng và đã tiến hành các biện pháp phòng chống dịch chủ động tại gia đình”.
Không riêng gì gia đình ông Long, hiện nay HTX chăn nuôi Bắc Văn có 10 hộ chuyên nuôi gà thịt với quy mô hơn 10.000 con cũng đang tiến hành các biện pháp phòng dịch. Theo đó, thời gian này HTX chủ yếu tập trung phòng, chống dịch tại các hộ chăn nuôi gia cầm thương phẩm, đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Ngoài ra HTX đã tăng cường công tác quản lý giám sát tới từng thôn, xóm, khu dân cư; nếu có dịch bệnh xảy ra sớm thì áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch không để dịch lây lan ra diện rộng. Khuyến cáo với người chăn nuôi khi tái đàn phải mua con giống có địa chỉ rõ ràng không ở vùng có dịch, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Hiện nay HTX đang kiểm kê tổng đàn để tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm trong thời gian sớm nhất.
Phó chủ tịch Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một trang trại chăn nuôi huyện Thạch Hà
Mặc dù Hà Tĩnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch tại các tỉnh, nhất là tỉnh Nghệ An, đòi các cấp chính quyền, ngành chuyên môn và những người chăn nuôi phải đề cao cảnh giác, đồng thời khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng ngừa từ xa. Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm vi rút Cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng vi rút Cúm gia cầm khác vào địa bàn, gây lây lan dịch bệnh, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; Chủ tịch UBND tỉnh mới đây đã có công điện Về việc chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống. Theo đó, biện pháp đầu tiên là hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung; hộ chăn nuôi gia đình; cơ sở ấp trứng, thu gom, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm; các cơ sở giết mổ gia cầm; các điểm chợ mua bán gia cầm sống; phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ ngoài vào địa bàn.
Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hà Tĩnh: Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch vào địa bàn, trước mắt các địa phương đơn vị, nhất là cấp xã, phường, thị trấn, cần chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân nắm vững biện pháp phòng chống. Một trong những biện pháp phòng chống mang tính tích cực nhất đó là phải vận động nhân dân thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin cúm H5N1 cho đàn gia cầm.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần phải thường xuyên định kỳ tẩy uế, sát trùng chuồng trại khu vực chăn nuôi bằng các loại hóa chất hoặc nước vôi bột ít nhất 1 lần/ tuần để tiêu diệt mầm bệnh. Khi phát hiện thấy gia cầm mắc bệnh phải báo cáo ngay cho Thú y và chính quyền địa phương biết để xử lý kịp thời, không dấu dịch hoặc bán chạy gia cầm đang mắc bệnh…. Chỉ có thể làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục ý thức trách nhiệm cộng đồng mới giúp nhân dân nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch, từ đó hạn chế tối đa những rủi ro về nguy cơ cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn/.
Theo Nguyễn Hoàn//sonongnghiep.hatinh.gov.vn