Hiệu quả từ việc thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI bán khô hạn tại Hà Tĩnh

Hiệu quả từ việc thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI bán khô hạn tại Hà Tĩnh
Vụ Xuân 2016, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên vùng đất bán khô hạn tại xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà; xã Song Lộc, huyện Can Lộc; xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà.

Kết quả của mô hình đã góp phần nâng cao trình độ thâm canh của người nông dân, tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu vào (giống, phân đạm và thuốc BVTV), tiết kiệm nước tưới góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên nước và cải thiện môi trường sống một cách bền vững, cụ thể, trên ruộng thí nghiệm cấy mạ non (2,5 lá), cấy thưa, cấy 1 dảnh/khóm. Bón phân cân đối, bón theo nhu cầu của cây lúa, tưới nước theo nông-lộ-phơi (rút cạn nước được 2-3 lần/vụ), làm cỏ sục bùn sau khi bón thúc đẻ nhánh đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, giảm thiểu các đối tượng sâu bệnh gây hại. Năng suất trung bình của ruộng SRI cao hơn ruộng của nông dân từ 1,54-1,8 tạ/ha. Lãi so với đầu tư của ruộng SRI cao hơn so với ruộng làm theo tập quán của nông dân 2 – 4 triệu đồng/ha.
 

Tham quan hội thảo đầu bờ


Qua quá trình thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên vùng đất bán khô hạn chúng tôi nhận thấy:
- Cấy mạ non, cấy 1-2 dảnh/khóm, bón phân đúng quy trình kỹ thuật kết hợp làm cỏ sục bùn sau khi bón thúc lần 1, đồng thời tháo cạn nước giai đoạn lúa đẻ nhánh (sau khi bón thúc 5 ngày), tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, ít bị sâu bệnh hại, góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
- Chương trình SRI là một chương trình mở vì vậy các địa phương có thể áp dụng từng phần (áp dụng một trong 5 nguyên tắc) hoặc toàn phần (áp dụng đầy đủ cả 5 nguyên tắc của SRI) tuỳ điều kiện cụ thể của từng địa phương.
- Chương trình SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới và rất thân thiện với môi trường. Để người nông dân mạnh dạn áp dụng và nhân rộng phải làm thay đổi nhận thức của họ, những người đã quá quen thuộc với phương pháp canh tác truyền thống. Đồng thời cũng cần thay đổi tư duy và cách chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật và quản lý; rất cần sự quan tâm và vào cuộc của các cấp các nghành có liên quan.
Theo sonongnghiephatinh.gov.vn