Kết quả mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khôi phục cây bưởi Phúc Trạch sau lũ lụt

Kết quả mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khôi phục cây bưởi Phúc Trạch sau lũ lụt
Bưởi Phúc Trạch là cây ăn quả bản địa, đã được biết đến là một đặc sản nổi tiếng với vị ngọt thanh, tép giòn, rất mọng nước và được các thực khách khắp nơi ưa chuộng. Xác định đây là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp nên một vài năm trở lại đây, bưởi Phúc Trạch được đầu tư chăm sóc và phát triển.

Tính đến tháng 9/2016, toàn huyện Hương Khê có gần 1.800ha được trồng chủ yếu trong vườn hộ với 56% diện tích cho quả tương đương 1000ha, phần còn lại trồng ở trang trại, đất chuyển đổi, bãi bồi ven sông,… năng suất gần 15 tấn/ha. Điều đặc biệt là nhận thức của người nông dân trong sản xuất đang dần thay đổi từ việc tổ chức sản xuất tự phát, quảng canh sang trồng thâm canh và đầu tư cả về vật tư và kỹ thuật.

Tuy nhiên, cuối năm 2016, các vùng trồng bưởi ở Hương Khê chịu ảnh hưởng của 6 cơn lũ, lụt gây ngập úng trong 26 ngày và khí hậu thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp thông qua nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc xen kẽ gây mưa liên tục, nhiệt độ tăng giảm thất thường đã làm cho bộ rễ chìm sâu trong nước, cây trồng sống trong không gian âm u, thiếu ánh sáng,… Mặt khác, cây bưởi đang trong giai đoạn tái tạo mầm hoa và sau đó là ra hoa, tạo quả đã làm cho bộ rễ bị tổn thương, nấm xâm nhập gây hại rồi bùng phát thành dịch ảnh hưởng nặng nề đến sinh trưởng phát triển của cây bưởi.

Để giảm thiểu thiệt hại đã, đang và sẽ gây hại trên cây bưởi Phúc Trạch sau lũ lụt cần đầu tư cải tạo môi trường, vườn cây, tác động kỹ thuật, tăng cường tính chống chịu, làm giảm các tác nhân xâm nhập, gây hại cây trồng, nhất là sâu, bệnh. Được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, Trung tâm khuyến nông đã xây dựng mô hình “Chuyển giao kỹ thuật khôi phục sinh trưởng, phát triển, ổn định, tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả và đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong giai đoạn tiếp theo cho các vườn bưởi Phúc Trạch sau lũ lụt”nhằm thu thập, hoàn thiện, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật cho nông hộ áp dụng để khôi phục sinh trưởng phát triển và tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả của các vườn bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài.

Mô hình được thực hiện từ tháng 10/2016 – 6/2017 tại 4 xã của huyện Hương Khê với quy mô 2,3ha cây cho quả tại 9 hộ: Hương Thủy 4 hộ (300 cây), Hương Giang 1 hộ (100) cây, Gia Phố 2 hộ (180 cây), Hương Trạch 2 hộ (180 cây); 0,7ha cây chưa cho quả tại 4 hộ: Hương Thủy 2 hộ (111 cây), Hương Giang 1 hộ (60 cây), Hương rạch 1 hộ (60 cây). Các nội dung đã thực hiện gồm hướng dẫn cho người dân cải tạo, khôi phục vườn bưởi sau lũ như cắt bỏ, thu gom cành gãy, cành héo lá, cành khô, cành trong tán, cành vô hiệu, cành vượt, thu gom xác hữu cơ, cỏ khô đem đốt; xới xáo, vệ sinh vườn cây tạo sự tới xốp, khơi, đào thông hệ thống tiêu, thu nước. Hướng dẫn phục hồi vườn cây, trồng lại cây trồng bị đổ, cuốn trôi, lật gốc như cải tạo môi trường, vườn cây, tỉa bớt cành, lá kể cả ngọn, cắt kết cành gãy,…; đào hố rộng, sâu hơn phần gốc cây, xử lý đất bằng vôi bột, các thuốc bảo vệ thực vật đặc dụng như Aliette 800WG,…. Hướng dẫn phục hồi bộ rễ, tạo rễ mới cho vườn bưởi thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp cũng như các biện pháp phòng trừ, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh như chảy gôm, thối gốc.

Sau 8 tháng triển khai thực hiện trên cơ sở những nhận định, phân tích và quy trình kỹ thuật khẳng định, điều tiết phù hợp từng giai đoạn với sự huy động tối đa lực lượng chuyên môn của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, khôi phục sinh trưởng, phát triển và tăng cường quá trình ra hoa, tạo quả các vườn bưởi Phúc Trạch sau lũ lụt và đã đạt được những kết quả cao: Về đào tạo, chuyển giao công nghệ khôi phục vườn cây được thực hiện khi cây chưa ra hoa và khi cây trồng ra hoa, quả non ổn định theo nhiều phương pháp như tổ chức 5 đợt chuyển giao kỹ thuật cho 16 xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch với khoảng 7000 nông hộ tham gia; tư vấn kỹ thuật qua điện thoại là hình thức khá hiệu quả và gần như được thực hiện thường xuyên với bình quân 300 cuộc điện thoại/xã. 100% học viên tham gia tiếp thu tiến bộ kỹ thuật đều có thao tác kỹ thuật tác động vào vườn cây đạt yêu cầu. Về hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật tại vườn đã thực hiện 8 đợt, bình quân mổi đợt là 30 tổ nhóm với 486 vườn/đợt được thực hành và chỉ đạo trực tiếp. Phải nói rằng phương pháp chuyển giao TBKT này đã mang lại hiệu quả cao khi 100% nông hộ tham gia đã khôi phục hoàn toàn vườn bưởi, quá trình ra hoa, đậu quả cũng diễn ra bình thường.

Đến nay, khoảng 1/3 diện tích bưởi toàn huyện cho quả bình thường; 1/3 chưa phục hồi hoàn toàn nhưng đã cho quả bằng 80% năm 2016; 1/3 diện tích cần tiếp tục chuyển giao kỹ thuật để phục hồi. Với cách làm việc đầy tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình của các cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, họ đã quyết "bỏ phố lên rừng" vào tận vùng miền núi Hương Khê xa xôi bám trụ cùng với nông dân để mô hình có được thành công như ngày hôm nay. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, góp phần thắp lên niềm hy vọng cho nông dân huyện Hương Khê khôi phục lại đặc sản bưởi quý hiếm này.

 

Rời Hương Khê sau một ngày rong ruổi đi thăm các vườn cây, được tận mắt chứng kiến những vườn bưởi trĩu quả, thành quả có được nhờ bàn tay khối óc của các nhà khoa học và những người dân mê say trồng bưởi, chúng tôi thầm hy vọng đây sẽ là “phao cứu sinh” cho bưởi Phúc Trạch. Thiết nghĩ, nếu được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân trong vùng để tiếp tục nhân rộng mô hình thì chẳng bao lâu nữa bưởi Phúc Trạch lại lên ngôi trở lại là thứ đặc sản lừng danh của Hà Tĩnh.
Theo Đặng Thị Thuận/sonongnghiep.hatinh.gov.vn