Ráo riết tiêm vắc-xin phòng cúm A/H5N1 cho hơn 9 triệu con gia cầm Hà Tĩnh
- Thứ bảy - 15/02/2020 03:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hà Tĩnh có tổng đàn gia cầm lên đến 9 triệu con.
Là 1 trong những địa phương có số lượng gia cầm lớn (khoảng 1 triệu con), trong những ngày qua, UBND huyện Can Lộc đã chỉ đạo cho các hộ nuôi gia cầm ráo riết phòng dịch.
Ông Đường Công Ngụ, thôn Đất Đỏ (Thường Nga, Can Lộc) đã tiêm vắc - xin phòng H5N6 cho 4000 con gà và 500 con vịt
Ông Đường Công Ngụ (Thường Nga, Can Lộc), một chủ hộ nuôi gia cầm với số lượng lớn cho biết: “Với quy mô chuồng trại khá lớn, ngoài 500 con vịt đẻ nuôi quanh năm đã được tiêm phòng định kỳ vào tháng 10/2019, hiện đàn gà nuôi gà gối lứa gồm 4.000 con, mới 8 tuần tuổi chưa vào đợt tiêm phòng chung trước đó. Trước tình hình cấp bách đối phó dịch cúm H5N1, tôi đã nhờ cán bộ thú y huyện tiến hành tiêm phòng trong đợt này”.
Bác sĩ thú y Can Lộc đang kiểm tra bệnh cho đàn gà của anh Võ Trọng Hóa, ở thôn Cứu Quốc (Thuần Thiện, Can Lộc).
Cũng như ông Ngụ, anh Võ Trọng Hóa, một chủ hộ chăn nuôi khác ở thôn Cứu Quốc, xã Thuần Thiện (Can Lộc) đã vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng và nhờ bác sĩ thú y chuẩn bị vắc - xin để tiêm cho đàn gà 1000 con của mình trong những ngày sắp tới.
Là 1 trong 22 hộ nuôi gà quy mô khá lớn ở xã Xuân Yên (Nghi Xuân), ông Võ Hòa Thắng ở thôn Trung Lộc (Xuân Yên, Nghi Xuân) cho biết: “Dịp tết và rằm tháng giêng vừa qua, tôi vừa xuất lứa gà hơn 1.000 con với 1,8 tấn gà. Theo kế hoạch đợt này, sau khi sửa soạn lại chuồng trại, tôi sẽ tái đàn lứa mới 1.200 con, nhưng tình hình hiện nay, để phòng dịch, gia đình chúng tôi đang tạm hoãn”.
Để tập trung phòng dịch H5N1, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm tạm hoãn tái đàn, tập trung phòng dịch cho số gia cầm đang nuôi. (Trong ảnh: Khu chăn nuôi gà của ông Võ Hòa Thắng, ở thôn Trung Lộc (Xuân Yên, Nghi Xuân).
Được biết, hiện tại khu chăn nuôi gà của ông Võ Hòa Thắng vẫn còn 300 con gà sắp đến tuổi xuất chuồng. Bên cạnh việc vệ sinh phun khử trùng chuồng trại, ông Thắng cho biết, sẽ tiến hành tiêm vắc - xin để bảo vệ và chăm sóc đàn gà hiện có.
Không chỉ những hộ chăn nuôi gia cầm ở Can Lộc, Nghi Xuân, nhiều chủ trang trại nuôi gà khác trên địa bàn Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ... cũng đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách phòng dịch cho đàn gia cầm của mình.
Những ngày này, ông Trần Công Thiệu, ở thôn 1, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) cũng đã tiến hành tiêm vắc -xin cho 2.000 con vịt tại trang trại của mình...
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh cho biết, 3 giải pháp trọng tâm trong phòng chống dịch cúm gia cầm đang được ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện hiện nay là: Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các trại nuôi để kịp thời phát hiện dịch; xử lý phun khử trùng cơ sở chăn nuôi; tiến hành tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm.
Mỗi năm có 2 đợt tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc tại các địa phương: đợt 1 vào tháng 4 và tháng 5 và đợt 2 vào tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, do nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm hiện nay thực hiện mô hình chăn nuôi thương phẩm, mỗi lứa từ 3-4 tháng nên việc tiêm phòng từng lứa có thể không trùng vào các đợt định kỳ nói trên. Vì vậy, ngành chuyên môn đang chỉ đạo các địa phương tập trung cao nhất cho công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm H5N1, H5N6 trên địa bàn cả nước, ngoài các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của sở, ban, ngành, các chủ hộ chăn nuôi gia cầm, nếu tái đàn cần chú trọng khâu chọn lựa kỹ về giống, tránh nhập giống từ các địa phương có dịch đề phòng sự lây lan”.
Một số dấu hiệu nhận biết gia cầm bị nhiễm dịch cúm A/H5N1, H5N6: - Ở gà: Đàn gà nhiễm bệnh có các triệu chứng bên ngoài như: xù lông, tiêu chảy và có âm hô hấp. Bệnh tích có thể quan sát được là phổi xung huyết trầm trọng, lách sưng to, mề, tiền mề và ruột xuất huyết. Xuất huyết dưới da của ống chân, phù quanh mí mắt, mào và tích tụ huyết xanh tím... - Ở vịt: Triệu chứng thể hiện nhẹ hơn gà, đa số vịt mang trùng không thể hiện triệu chứng và chết thể cấp tính với biểu hiện triệu chứng thần kinh, co giật. Bệnh tích viêm nhẹ mí mắt và xuất huyết nội quan của vịt, bệnh cũng rất giống với bệnh dịch tả vịt. Triệu chứng ở các loài gia cầm khác như chim cút, ngan, ngỗng chỉ thể hiện ủ rũ và chết đột ngột với tỉ lệ cao. |