Tập huấn hướng dẫn phòng trừ sâu keo mùa thu và bệnh khảm lá sắn

Tập huấn hướng dẫn phòng trừ sâu keo mùa thu và bệnh khảm lá sắn
Ngày 23/7/2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai tập huấn hướng dẫn phòng trừ sâu keo mùa thu và bệnh khảm lá sắn, tham dự có đại diện lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế đối với thành phố, thị xã), lãnh đạo và cán bộ dự tính dư báo Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã và các Công ty cung ứng thuốc trên địa bàn.

 

 

 Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, tính đến tháng 7/2019, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng trồng ngô trong cả nước với tổng diện tích nhiễm 14.893 ha, nhiễm nặng 1.254 ha, tập trung chủ yếu các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, diện tích nhiễm toàn vùng 336ha, trong đó tại Hà Tĩnh, từ giữa tháng 4/2019, sâu keo mùa thu đã xuất hiện gây hại trên ngô Xuân giai đoạn 7-9 lá,diện tích nhiễm 22ha, hại nặng trên giống HN68, HN88,…tại xã Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Giang (Kỳ Anh); đến ngày 19/7/2019, sâu keo mùa thu đã phát sinh gây hại tại xã Hương Vĩnh (Hương Khê), Sơn Kim, Sơn Tây (Hương Sơn) giai đoạn 3-5 lá và 7-9 lá, diện tích nhiễm 23 ha, giống nhiễm NH68, NK7328, CP511, CP11,... Đây là đối tượng mới, có khả năng di trú xa, phát tán mạnh mẽ, sinh sản rất cao, phàm ăn khiến nhiều nơi lúng túng khi tổ chức phòng trừ. Trong chương trình tập huấn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến đối tượng nguy hiểm này, tập trung làm rõ tình hình phát sinh, đặc tính sinh học, các triệu chứng gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô nói riêng và các loại cây trồng nói chung. Đặc biệt, đã hướng dẫn các biện pháp phòng, chống tổng hợp đối với sâu keo mùa thu như biện pháp canh tác, biện pháp bẫy, bả và biện pháp hóa học.

 

Triệu chứng gây hại của sâu keo mùa thu 

 

Triệu chứng gây hại của bệnh khảm lá sắn 

 

Đối với bệnh khảm lá sắn, từ cuối tháng 3/2019, bệnh đã xuất hiện tại xã Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, đến nay, bệnh đã phát sinh gây hại tại xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng,.., diện tích nhiễm 173,01ha chủ yếu trên giống KM140, KM94, đây là đối tượng nguy hiểm đối với cây sắn, bệnh do Vi rút có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Viurs gây ra, bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và qua hom giống. Thông qua buổi tập huấn, đã xây dựng quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn, cách nhận biết triệu chứng bệnh, các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm: Chuẩn bị hom giống, biện pháp canh tác kết hợp với phòng trừ bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) và các biện pháp tiêu hủy khi bị bệnh khảm lá sắn

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật/sonongnghiephatinh.gov.vn