18/03/2020 Nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

18/03/2020 Nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh như tôm thương phẩm, trái thanh long tươi. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối mặt nhiều khó khăn
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 02 tháng đầu năm 2020, sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Thuận phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tác động của biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra hạn hán cục bộ, toàn tỉnh phải cắt giảm không sản xuất 13.986 ha cây lương thực; giảm phiên nước tưới cho cây trồng thanh long. Hoạt động đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn dẫn đến sản lượng thủy sản khai thác giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, bệnh Dịch tả lợn Châu phi tuy có giảm nhưng chưa được khống chế hoàn toàn gây khó khăn cho công tác tái đàn; tình hình dịch bệnh động vật trên cạn đang diễn biến rất phức tạp, nhất là bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh cúm gia cầm. Đặc biệt hơn hết là sự bùng phát của dịch Covid - 19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới... Tình hình trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
 

 
Thanh long là mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh khi 02 tháng đầu năm xuất khẩu chỉ bằng 78,15% so cùng kỳ về mặt giá trị. Hiện tại, do dịch Covid-19 nên một số cơ sở xuất khẩu thanh long đã đóng cửa, mặc dù vẫn có một số doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên vẫn là hoạt động cầm chừng.
 
Tính trong 02 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 20,2 triệu USD; nhóm hàng nông sản ước đạt 0,89 triệu USD, giảm 55,39% so cùng kỳ. Nhóm hàng nông sản giảm mạnh do chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh chủ yếu là Trung Quốc.
 
Giải pháp tháo gỡ
 
Trước những khó khăn trên, nhất là sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
 
Mới đây, tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid - 19, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Trong thời gian tới ngành Nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh, thiên tai, do đó ngành Nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Cần tập trung thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn, cung ứng thực phẩm trong mọi hoản cảnh; tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh không để phát sinh, không để thực phẩm leo giá và đặc biệt, không để tình trạng trục lợi xảy ra. Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, tìm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu sau dịch bệnh được kiểm soát.
 

 
Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, về phát triển trồng trọt, ngành đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tập trung đối với các cây trồng lợi thế của tỉnh như thanh long và các loại nông sản hàng hóa có giá trị khác. Thực hiện các giải pháp đồng bộ quản lý vật tư đầu vào; đồng thời, theo dõi, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt là bệnh khảm lá trên cây mì, sâu keo mùa thu hại bắp và bệnh đốm nâu trên thanh long nhằm đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất. Duy trì và sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất lúa được quy hoạch; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây hàng năm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Để phát triển chăn nuôi, ngành chuyển mạnh chăn nuôi sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường, đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, gia cầm; Chuyển giao nhanh các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao cho nông dân để phát triển sản xuất trên cơ sở áp dụng công nghệ mới và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tập trung nguồn lực ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước; hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn lợn, khả năng kiểm soát dịch bệnh, thị trường, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển chăn nuôi, nhất là chính sách chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, phát huy hiệu quả các cơ sở giết mổ tập trung đã được đầu tư và quản lý chặt chẽ các cơ sở được cấp phép hoạt động tạm thời.
 
Về phát triển thủy sản, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp giáo dục, kinh tế, hành chính, hình sự, không để xảy ra tình trạng tàu cá của tỉnh đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, giữ vững chất lượng và thương hiệu tôm giống Bình Thuận trên thị trường. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chất kích thích không bảo đảm an toàn thực phẩm trong thủy sản. Tập trung phát triển nuôi các loại thủy sản có lợi thế, hiệu quả; tăng cường đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ mới, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) để nâng cao năng suất, chất lượng các loài nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, các loài cá, đặc sản biển ở các vùng ven biển và đảo Phú Quý; nhân rộng các mô hình nuôi đặc sản và cá nước ngọt có hiệu quả cao.
 
Về phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đa dạng về quy mô, sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, giảm dần tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm thô, sơ chế. Khuyến khích đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở sơ chế, chế biến. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh...
 
 
TT Dân/binhthuan.gov.vn