3 trong 1: Bí quyết nuôi dê cho lãi lớn của anh nông dân người Thái
- Thứ hai - 14/05/2018 08:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Được sự giới thiệu của ông Hà Đức Chiến – Phó Chủ tịch HĐND xã Mường Lựm, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi dê núi của anh Cà Văn Tiềm ở bản Na Ngua, xã Mường Lựm.
Ngoài chăn nuôi dê, anh Tiềm còn nuôi lợn rừng để tăng thêm nguồn thu cho gia đình
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tiềm kể: “Sau nhiều đêm loay hoay thức trắng tìm hướng thoát nghèo nhưng gia đình vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đến năm 2012, nhận thấy đất đai của nhà rộng, cây cỏ đa dạng, trong đầu tôi nảy ra ý tưởng nuôi dê để xóa nghèo. Được sự ủng hộ của người thân, tôi lập tức bắt tay vào làm chuồng trại nuôi dê trong thung lũng đất nương của gia đình.
Khi nhà cửa, chuồng trại đã được hoàn thiện, bằng nguồn vốn tích cóp có được, anh Tiềm chọn mua 10 con dê (2 con đực, 8 con cái) loại giống tốt ở một số bản lân cận trong xã về chăn thử. Nhờ kiên trì chăm sóc nên chỉ sau 1 năm gia đình có hơn 20 con. Cứ như thế, đàn dê tăng dần lên theo từng năm...
Theo anh Tiềm, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nuôi nên đàn dê cũng nhiều lần bị bệnh tụ huyết trùng, bệnh đậu dê, bệnh tiêu chảy khiến một số con dê đã chết. Anh Tiềm đã phải nhờ đến cán bộ khuyến nông, thú y xã giúp đỡ cứu đàn dê nhiều lần. Mỗi lần như thế, anh lại đúc rút kinh nghiệm chăn nuôi cho bản thân mình.
“Muốn dê sinh trưởng và phát triển tốt, không nên chăn thả dê vào buổi sáng sớm vì khi đó cây cỏ đang có nhiều sương, dê ăn vào dễ bị bệnh tiêu chảy. Trời mưa nên nhốt dê trong chuồng, cho dê ăn cỏ khô, sắn, ngô, khoai. Cho dê uống nước sạch trước khi thả cũng như sau khi dê về chuồng. Chuồng trại phải làm cao ráo, thoát nước; sàn chuồng phẳng làm bằng tấm gỗ, thanh tre cách nhau vài phân đủ lọt phân và đủ để tránh dê con không bị lọt chân; chuồng cách mặt đất khoảng 80 – 90 phân. Không chăn thả dê ở những nơi trũng, lầy có nước tù đọng dễ làm dê mắc bệnh giun sán, tiêu chảy” – anh Tiềm, chia sẻ.
Tận dụng những bãi đất trống quanh trang trại, anh Cà Văn Tiềm còn trồng thêm dâu tây, chanh leo để nâng cao nguồn thu
Hiện nay, anh Tiềm đang nuôi hơn 30 con dê, thời điểm nuôi nhiều nhất lên đến 60 con. Đàn dê núi được thả chủ yếu trên núi đá vôi cách bản Na Ngua 3km, con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh. Chất lượng thịt dê được nhiều khách hàng đánh giá thơm ngon hơn ở những vùng khác. Ai đã ăn được thịt dê nhà anh Tiềm thì nhớ mãi không quên.
Cũng theo anh Tiềm, dê cái rất mắn đẻ, khoảng 6 – 7 tháng/lứa; loài động vật này ăn nhiều loại thức ăn nên rất dễ nuôi và nhàn. Tuổi giao phối của dê cái là 8 tháng tuổi, dê đực khoảng 5 – 6 tháng tuổi. Thời điểm gần Tết, dê bán rất chạy và được giá cao. Dê bán thịt (dê đực) từ 110.000 – 120.000 đồng/kg; dê cái từ 45.000 – 70.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ dê của anh Tiềm đã mở rộng ra cả huyện Yên Châu, huyện Mộc Châu.
“Nuôi dê núi sinh sản nhanh, đầu tư ít, sức đề kháng tốt, thời gian thu hồi vốn nhanh. Năm 2017 vừa rồi, gia đình cũng có hơn 50 triệu đồng tiêu pha từ bán dê thịt và dê giống” – anh Tiềm, tự tin khoe.
Theo Tuệ Linh/Báo Dân Việt.VN