“5 không, 3 sạch” giữ gia đình hạnh phúc

“5 không, 3 sạch” giữ gia đình hạnh phúc
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” ở Lai Châu giờ đây không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hiện thực trong nhiều gia đình bà con các dân tộc vùng cao.
Vì gia đình, vì cộng đồng

Thả nốt nắm rau xanh vừa cắt ngoài ruộng về cho đàn lợn đang nghển cổ đòi ăn trong chuồng, chị La Thị Xum- người dân bản Khoa, xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) vơ vội cái chổi, quét vun gọn đám rác quanh chuồng lợn vào một góc vườn. Chị khoe với chúng tôi: “Chúng tôi đang thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đấy. Cuộc vận động này có nhiều cái hay, cái tốt, lại vì hạnh phúc của mỗi gia đình nên nhà ai cũng cố gắng làm tốt. Đàn lợn tôi đang nuôi này cũng nằm trong nội dung của cuộc vận động đấy…”. 

Trẻ em ở xã nghèo Mường Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu được chăm sóc, học hành đầy đủ theo nội dung thi đua “5 không, 3 sạch”.
Trẻ em ở xã nghèo Mường Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu được chăm sóc, học hành đầy đủ theo nội dung thi đua “5 không, 3 sạch”.

Vào nhà ông La Văn Hơn ở giữa bản Khoa, cũng thấy ông chủ đang lúi húi dưới gầm sàn, tay búa tay cưa. Vừa chào khách, ông Hơn vừa giải thích: “Tôi đóng lại cái bàn cho cháu nó ngồi học ấy mà. Bây giờ học ở nhà cũng phải có bàn ghế, không nằm bò ra giường. Nhà ai để trẻ thiệt thòi thì trước hết là sẽ bị cán bộ bản phê bình đấy”. 

Những chia sẻ của người dân bản Khoa cho thấy những thay đổi lớn nơi đây. Trao đổi với anh Hoàng Tiến Đức- Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Khoa, anh giải thích: Đúng là đang có cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” không chỉ ở Mường Khoa mà diễn ra trên toàn tỉnh Lai Châu và do Hội Phụ nữ tỉnh phát động. Xem ra, 8 tiêu chí của cuộc vận động này rất sát với thực tế và mong muốn của mỗi gia đình: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp. Cuộc vận động trở thành mục tiêu chung của người dân và ai cũng đồng lòng hưởng ứng. Cái xã nghèo này trước đây có ai quét đường, quét ngõ bao giờ đâu; cũng chẳng mấy nhà có bàn, có ghế cho con cái học bởi hầu hết ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm... Nhưng bây giờ thì người ta bảo được nhau, thấy đường bẩn thì tự đem chổi ra quét, thấy trẻ nghịch dại thì nhắc nhở, thấy nhà nào làm tốt thì biểu dương, ai chưa làm được thì hướng dẫn, điều chỉnh, giúp đỡ. 

“Mình biết lo cho mình”

Theo Hội Phụ nữ Lai Châu, đến nay toàn tỉnh Lai Châu có hơn 28.000 hộ gia đình đạt đủ 8 tiêu chí của cuộc vận động. Các hội viên đã đóng góp hơn 7.000 công lao động, hơn 2,5 tấn thóc, trên 100 triệu đồng và hàng ngàn cây giống...
 

Đấy là lời tâm sự thật thà của lão nông Lò Văn Dấu ở bản So, xã Mường So, huyện Phong Thổ, về cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Ông dẫn chúng tôi lên căn nhà sàn nguyên bản nét văn hóa Thái, nhưng dưới gầm sàn được quét dọn sạch sẽ, củi và đồ dùng lao động cùng mấy chiếc xe máy được xếp gọn gàng, ngăn nắp theo từng khoảng... Ông Dấu tâm sự: “Trước đây một phần do cuộc sống khó khăn quá, phần do nhận thức có hạn nên ăn ở mất vệ sinh, luộm thuộm lắm. Bây giờ hưởng ứng xây dựng đời sống văn hóa mới, nhà ai cũng làm thêm cái chuồng nuôi trâu, lợn cách xa nhà; sắp xếp lại vật dụng dưới gầm sàn nên sạch sẽ hẳn ra mà con vật nuôi cũng nhanh lớn, đỡ ốm đau hơn vì không phải ở bẩn. Ngay bản thân mình trước đây cũng hay uống rượu say. Mà đã say thì thích đi xe máy lắm, lại chẳng đội mũ bảo hiểm,… Nay thì không có chuyện đó nữa đâu, mình biết lo cho mình rồi” - ông Dấu cười sảng khoái. 

Trong căn nhà nhỏ bên bản Nậm Loỏng, xã Nậm Loỏng, TP.Lai Châu, chị Tẩn Thị Ly đang dán lên tường nhà những trang báo mới xin được. Chị bảo: “Mình làm sạch nhà, sạch bếp nhà mình thì chồng yêu, con quý mình hơn. Mình biết nuôi thêm con lợn, con gà, trồng nhiều cái cây ngô có bắp to thì cái bụng mình no hơn, cái áo mình mặc đẹp hơn. Thực hiện cuộc vận động này là làm cho nhà mình, bản mình thôi nên phải cố gắng làm cho tốt”. 
Nguồn: danviet.vn