500 chị em sống khỏe với nghề dệt
- Thứ hai - 11/09/2017 19:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xóa nỗi lo tha phương cầu thực
Doanh nghiệp của chị Bin được chia thành nhiều tổ, nhóm khác nhau. Tổ 1 đặt ở xóm Lục 2, có 100 khung dệt do chị Dương Thị Lán làm tổ trưởng. Mỗi khung dệt do một phụ nữ đảm nhiệm. Lúa mùa đã gặt xong nên chị em phụ nữ của xóm Lục 2 lại tất bật bên khung dệt. Chị Lán là một trong những thành viên gắn bó với tổ sản xuất từ những ngày đầu thành lập. Chị cho biết: Ai chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 đồng. Thu nhập chưa phải là cao, nhưng chị em có thu nhập rất đều. Quan trọng hơn cả là chị em không phải tha phương cầu thực kiếm sống.
Chị Dương Thị Bin (người thứ hai từ trái sang) đã góp phần khôi phục nghề dệt truyền thống ở xã Yên Nghiệp. Ảnh: X.T
Chị Dương Thị Bin đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề dệt thủ công truyền thống. Nhiều gia đình đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định”. Ông Bùi Văn Chủng - |
Từ khi công ty Lục Nghiệp Thành được thành lập (năm 2010) do chị Bin làm chủ đã đứng ra mở lớp dạy nghề cho nhiều phụ nữ. Giờ đây, 200 phụ nữ nơi đây đã được cấp chứng chỉ nghề.
Làng nghề dệt thổ cẩm xã Yên Nghiệp gồm 3 xóm: Lục 1, Lục 2, Lục 3 với hơn 200 khung dệt giao cho 168 thành viên, hầu hết là phụ nữ. Bên cạnh đó, chị Bin còn liên kết với những thợ dệt có tâm huyết khác thành lập được 6 tổ sản xuất dệt thổ cẩm tại các xã lân cận như Bình Chân, Đa Phúc, Ân Nghĩa... nâng tổng số lên 500 khung dệt. Mỗi năm, công ty sản xuất trên 50.000 sản phẩm thổ cẩm như: Váy, áo, mũ, khăn... phục vụ nhu cầu người dân trong địa bàn và các vùng lân cận.
Khôi phục nghề làm thổ cẩm truyền thống
Chị Bin kể, năm 2001, chị tham gia Hội LHPN xã Yên Nghiệp. Chị luôn trăn trở phải tìm ra việc làm cho chị em hội viên. Cơ hội đến với chị khi năm 2006, từ nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lạc Sơn cho Hội LHPN xã Yên Nghiệp vay 50 triệu đồng, không phải trả lãi trong 1 năm.
Có được nguồn vốn hỗ trợ, chị Bin đã mạnh dạn vận động chị em trong xóm Lục 2 dựng khung dệt, khôi phục nghề làm thổ cẩm truyền thống của người Mường. Ngoài thời gian tham gia công tác hội, chị đến từng nhà vận động, hướng dẫn chị em trong xóm làm nghề. Bản thân chị cũng dựng một khung dệt ở nhà. Vốn thạo việc, thạo nghề, chẳng mấy chốc những sản phẩm thổ cẩm được hoàn thiện.
Làm ra được sản phẩm thổ cẩm đã khó, bán được sản phẩm còn gian nan hơn nhiều lần. Chị Bin đã cất công đi khắp các khu du lịch của xứ Mường để chào hàng. Nơi đồng ý nhận, nơi không, chị Bin vẫn không nản. Bằng chính tấm lòng của người con của xứ Mường, mang sản phẩm của dân tộc mình đi chào hàng, bước đầu chị Bin đã thành công. Sản phẩm của chị em làm ra đều bán hết.
Liên tiếp 2 năm sau đó, nguồn vốn 50 triệu đồng được Hội LHPN huyện Lạc Sơn dành cho Hội LHPN xã Yên Nghiệp vay tiếp. Tháng 12.2012, xóm Lục 2, xã Yên Nghiệp đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đầu tiên ở tỉnh Hòa Bình. Chị Bin lại không ngừng học hỏi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tạo việc làm cho chị em. Từ vài khung dệt ban đầu, đến giờ nghề dệt thổ cẩm đã mở rộng ra các xã xung quanh. Sản phẩm thổ cẩm đã có mặt ở nhiều nơi như Mộc Châu (Sơn La) và Thanh Hóa.
Theo Xuân Tuấn/Dân Viêt.vn