70 ngày trồng dưa lưới, nhà nông Quảng Ngãi đút túi 60 triệu!
- Thứ hai - 10/07/2017 11:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân xã Bình Phú thu hoạch dưa lưới. Ảnh: Nguyễn Trang
Ông Nguyễn Thanh Phương (xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mở trồng vụ dưa lưới đầu tiên trên diện tích 6 sào. Ông cho biết: “Vụ này tôi bán ra 6 tấn dưa, giá 10.000 đồng/kg dưa, thu về hơn 60 triệu đồng” .
Dù là lần đầu tiên trồng loại dưa này, nhưng với kinh nghiệm tiên phong trong trồng dưa mới, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch cao. Theo ông Phương, dưa loại 1 có trọng lượng 1,4 - 2,5kg/trái, bề mặt dưa đẹp, không tỳ vết thì giá 10.000 đồng/kg, còn lại dưa loại 2 được mua với giá 4.000 đồng/kg.
Những trái dưa lưới chuẩn bị được thu hoạch. Ảnh: Dân Việt
Hộ ông Phạm Văn Tài (xã Bình Phú, huyện Bình Sơn) cũng trồng 5 sào dưa, thu hoạch gần 6,5 tấn dưa vừa mới xuất bán hết. Ông cho biết, so với các loại dưa Trang Nông, dưa Hắc Mỹ Nhân thông thường thì dưa lưới cho năng suất và lợi nhuận cao hơn, đồng thời, thị trường ổn định.
Cây dưa lưới tại Việt Nam phù hợp với khí hậu nóng, ít ẩm ở miền Đông và Tây Nam Bộ, thời gian gần đây được đưa về tỉnh Quảng Ngãi để trồng. Dưa lưới ở Quảng Ngãi được trồng dưới đất lúa và mắc giàn lưới thấp, trái dưa cho quả hình tròn, vỏ dày và thanh ngọt.
Mặc dù nông dân Quảng Ngãi mới đưa dưa lưới vào trồng từ khoảng 1-2 năm nay nhưng loại nông sản này phù hợp với điều kiện tự nhiên tại đây, cho năng suất khá cao.
Ông Hồ Minh Sơn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn, cho biết: “Dưa lưới mới được đưa về trồng, hiện nay đang hướng dẫn cho nông dân ở các vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây năng suất cao, trong đó có dưa lưới. Các xã Bình Phú, Bình Tân là những địa phương trồng nhiều nhất”.
Hiện tại, toàn huyện có gần 800 diện tích đất lúa kém hiệu quả, trong đó, riêng vụ hè-thu hơn 300ha, các địa phương chủ động chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Mặc dù dưa lưới vừa có mặt tại tỉnh Quảng Ngãi, so với giá dưa Trang Nông, Hắc Mỹ Nhân thì dưa lưới có giá cao hơn gấp đôi, tuy nhiên, các địa phương cần có quy hoạch để tránh tình trạng ồ ạt trồng, vỡ quy hoạch để không tái diễn vấn đề “giải cứu” dưa, rớt giá thê thảm vào năm 2015 và năm 2017 vừa qua.