An Giang: Chuyển giao mô hình quản lý thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân

An Giang: Chuyển giao mô hình quản lý thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trường đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội thảo thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) - tiềm năng và tác động cho nông dân 3 huyện Thoại Sơn, Chợ Mới và Phú Tân (An Giang). Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đúc kết phương thức quản lý thuốc BVTV hiệu quả, chủ nhiệm đề tài đã chuyển giao mô hình cho nông dân, giúp nông dân sử dụng hợp lý thuốc BVTV, đảm bảo môi trường sạch không còn dư lượng thuốc trong đất, trong sản phẩm và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Điển hình là kết quả mô hình thực hiện tại hộ ông Võ Văn Hiêm (xã Kiến An, huyện Chợ Mới) trên diện tích 5.000m2 trong vụ đông xuân. Số lần phun thuốc trừ sâu giảm giữa 2 ruộng mô hình thử nghiệm và ngoài mô hình. Ruộng mô hình thử nghiệm phun 3 lần/vụ (ruộng ngoài mô hình 4 lần/vụ), trung bình giảm được 1 lần/vụ. Đặt biệt, lượng thuốc trong mỗi lần phun ở ruộng đối chứng và ruộng mô hình có sự khác nhau. Lượng thuốc ở ruộng mô hình giảm hơn 20% so với lượng thuốc ở ruộng đối chứng. Việc giảm thiểu thuốc trừ sâu trong mô hình nhưng vẫn đảm bảo năng suất cho thấy môi trường ít bị ảnh hưởng hơn, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái và sức khỏe nông dân. Riêng số lần phun thuốc trừ bệnh đối với mô hình thí nghiệm 2 lần (1 lần ngừa bệnh lem lép trước trổ và 1 lần ngừa lem lép hạt sau trổ). Nhưng lượng thuốc trong mỗi lần phun ở ruộng thử nghiệm có sự khác nhau, giảm 20% so với ruộng đối chứng. Đối với ruộng ngoài mô hình có số lần phun thuốc trừ bệnh lên đến 3 lần (1 lần phun ngừa bệnh đạo ôn, 1 lần ngừa bệnh lem lép trước trổ và 1 lần ngừa lem lép hạt sau trổ). Cùng với áp dụng lượng giống, phân bón, nước hợp lý đã góp phần giảm giá thành sản xuất 464 đồng/kg lúa. Lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình thử nghiệm đạt 20,793 triệu đồng/héc-ta (so với ngoài mô hình trên 17,628 đồng/héc-ta). Bình quân mô hình tiết kiệm được 3,165 triệu đồng/héc-ta/vụ. Số tiền lợi nhuận tăng thêm của người nông dân tham gia mô hình thử nghiệm do giảm 20% lượng thuốc trừ sâu, bệnh ở mỗi lần phun và lượng giống. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dư lượng thuốc trong sản phẩm và bảo vệ sức khỏe của con người.

Tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, dư lượng thuốc trong sản phẩm.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: Nhằm hạn chế tối đa tác hại của thuốc BVTV đối với môi trường, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá tác động của việc sử dụng thuốc BVTV thông dụng khi canh tác lúa 3 vụ trong vùng đê bao đến môi trường đất nước và sản phẩm gạo”, do Trường đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh chủ trì và Tiến sĩ Lê Quốc Tuấn, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên làm chủ nhiệm. Từ năm 2011 đến nay, chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều nội dung nghiên cứu và đã thu được một số kết quả nhất định. Từ đó, giúp có những đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng hợp lý thuốc BVTV trong thời gian tới. Tiến sĩ Lê Quốc Tuấn cho biết: Thực tế, việc canh tác lúa trong đê bao và sử dụng thuốc BVTV trong quá trình canh tác sẽ làm tồn đọng lại nhiều dư lượng thuốc chưa được phân hủy hết. Sự tích lũy dư lượng thuốc BVTV trong đê bao ngày càng nhiều là điều không thể tránh khỏi. Tình trạng này tiếp diễn sẽ dẫn đến những mối nguy hại cho canh tác trong tương lai. Do đó, các nghiên cứu và phân tích cơ bản để có một định hướng quản lý sử dụng thuốc BVTV trong đê bao thời gian dài là điều cần thiết và cấp bách, nhằm tiến tới xu hướng canh tác bền vững cho vùng đê bao.

Theo vietlinh.vn