An Giang: Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp

An Giang: Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp
Từ lâu vùng đất An Giang đã xuất hiện và tồn tại nhiều làng nghề thủ công truyền thống, tạo ra các mặt hàng thủ công chất lượng, có uy tín trên thị trường. Việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp liên quan trực tiếp đến nhiều tiêu chí quan trọng khác như: Mức thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất.

CôngThương - Làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động
Điển hình là các nghề mộc chạm trổ ở Chợ Thủ (Chợ Mới); nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ở Tân Châu; nghề rèn ở Phú Mỹ (Phú Tân); nghề dệt Cù Lao Giêng (Chợ Mới); nghề gạch ngói và đồ gốm ở Châu Thành, Châu Phú; nghề vẽ tranh trên kiếng ở Long Điền B, Mỹ Luông (Chợ Mới); nghề bó chổi ở Phú Bình (Phú Tân); nghề dệt thổ cẩm ở Văn Giáo (Tịnh Biên); nghề đóng ghe xuồng ở Mỹ Hiệp (Chợ Mới); nghề làm lưỡi câu ở Mỹ Hòa (Long Xuyên); nghề làm rập chuột ở An Châu (Châu Thành). Đặc biệt nhất là làng nuôi cá bè với mô hình nhà nổi trên sông sản xuất chăn nuôi cá ở Châu Đốc; An Phú; Chợ Mới và Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên) thu hút hàng ngàn lao động. Điều đó cho thấy, làng nghề có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay...
Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước,  người lao động trong các làng nghề cần chủ động, đầu tư công sức, trí tuệ để làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Các cơ sở cần mở rộng mặt bằng sản xuất, đầu tư công nghệ, máy móc, nhà xưởng. Đồng thời, chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo Sở  Công Thương An Giang, các làng nghề đã tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, giúp người dân có thêm thu nhập chính đáng, góp phần bảo tồn nghề truyền thống. Đây cũng là mục tiêu của các làng nghề hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống ở địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn sang hướng phi nông nghiệp.
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển làng nghề
Một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phải phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp liên quan đến nhiều tiêu chí quan trọng khác như: Mức thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Vì vậy, địa phương nào có làng nghề phát triển sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho lộ trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống có một ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế lẫn xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông nghiệp, nông thôn.
Hợp tác xã dệt thổ cẩm Văn Giáo là một trong những đơn vị điển hình về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn trong thời gian qua. Được thành lập năm 2002, qua 11 năm hoạt động, hợp tác xã dệt thổ cẩm Văn Giáo đã khẳng định được vai trò của mình trong việc phát triển kinh tế nông thôn. Theo Ông Trịnh Tấn Lực - Phó Chủ tịch xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, chính quyền địa phương thường xuyên kết hợp với Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Tịnh Biên tổ chức các lớp dạy nghề tại xã, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần cho bà con tăng thu nhập. Nhờ nghề này mà  phụ nữ Khmer xã Văn Giáo có việc làm ổn định, thoát nghèo và giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cũng theo ông Lực, để hoạt động làng nghề đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phải gắn phát triển nghề với quy hoạch làng nghề để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững. Với các địa phương đã có làng nghề, nhà nước cần lập dự án phát triển nghề hiện có, mở rộng thêm nghề mới cho nhiều hộ dân. Với địa phương chưa có nghề, cần lập quy hoạch ngành nghề, quy hoạch mặt bằng, xây dựng kế hoạch, dự án phát triển…

Trung Tín
Nguồn baocongthuong.com.vn