"Ăn nên làm ra" từ trồng rau VietGAP
- Thứ năm - 07/09/2017 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Sánh kể, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng lúa, sau đó chuyển dần sang trồng rau, nhưng chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống nên nhiều vụ rau đạt lãi thấp. Năm 2006, ông tham gia HTX Rau an toàn Gò Công và bắt đầu sản xuất thử nghiệm trên 1.000 m2 rau theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP. Từ đó, ông tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau theo phương pháp mới. Qua đó, ông nắm bắt được quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, nên rau của ông Sánh trồng đạt chất lượng tốt, năng suất vượt trội so với sản xuất theo phương pháp truyền thống, đặc biệt là đầu ra ổn định.
Với những kết quả khả quan từ trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP mang lại, ông Sánh tiếp tục chuyển dần diện tích đất còn lại để trồng rau theo phương thức này. Đến nay, hơn 4.000 m2 đất của gia đình đã được ông Sánh trồng xoay vòng các loại rau khác nhau theo yêu cầu của HTX như: Cải bẹ xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau dền, bầu, bí, khổ qua… và mỗi vụ thu hoạch đều mang lại cho gia đình ông lợi nhuận đáng kể. Ông Sánh chia sẻ: “Trước đây, không riêng gì tôi mà hầu hết các thành viên của HTX lo ngại việc trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP sẽ gặp khó khăn trong khâu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất rau thấp. Thế nhưng, thực tế sản xuất rau theo tiêu chuẩn này lại giảm được 20% - 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng rau. Cùng với đó, đầu ra của cây rau an toàn, VietGAP được bao tiêu nên lợi nhuận cao hơn so với trồng rau theo phương pháp truyền thống”.
Gắn bó với trồng rau an toàn, VietGAP đã lâu, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc rau, ông Sánh cho biết: “Sản xuất rau an toàn, VietGAP thì tất cả các khâu phải tuân thủ theo một quy trình nhất định như: Nguồn nước tưới, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải được kiểm tra nghiêm ngặt; không được trồng liên tục nhiều vụ rau trên cùng một diện tích, phải luân phiên các loại rau trồng khác nhau. Nếu tuân thủ đúng các quy trình thì rau an toàn sản xuất ra sẽ cho năng suất cao, đáp ứng đủ điều kiện để HTX thu mua hết”.
Chính việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và gắn bó với sản xuất rau an toàn, VietGAP đã giúp ông Sánh vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà khang trang. Cụ thể, hằng năm sau khi trừ chi phí sản xuất, ông Sánh thu lãi từ trồng rau an toàn, VietGAP gần 200 triệu đồng, gấp 7 - 8 lần so với trồng lúa, đồng thời cũng cao hơn nhiều so với trồng rau theo phương pháp truyền thống. Với thành tích đó, nhiều năm liền ông Sánh được tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp thị và cấp tỉnh.