Anh năm Hừng và "duyên nợ" với cây thanh long

Anh Năm Hừng bên vườn thanh long ruột đỏ chuẩn bị thu hoạch.

Anh Năm Hừng bên vườn thanh long ruột đỏ chuẩn bị thu hoạch.

Ngay từ những ngày đầu bước chân vào nghề báo vào đầu những năm 2000, chúng tôi đã được anh Huỳnh Văn Hừng, ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (nhiều người gọi với tên thân mật là anh Năm Hừng) hỗ trợ, giới thiệu các mô hình trồng thanh long mang lại hiệu quả trên địa bàn xã.

Bởi hơn ai hết, anh Năm Hừng không chỉ có thời gian dài gắn bó với phong trào sản xuất của nông dân với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, mà còn là một nông dân thực thụ, gắn bó hàng chục năm với sự thăng trầm của cây thanh long.

 

Quơn Long là một trong những xã có diện tích trồng thanh long sớm và nhiều nhất của huyện Chợ Gạo. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã được người dân chuyển đổi sang trồng thanh long. Nét mới về nhà cửa, đường sá trên địa bàn xã phần lớn cũng từ hiệu quả cây thanh long mang lại.

Anh Năm Hừng cũng đã gắn bó với cây thanh long trong suốt chặng đường đó. Khởi đầu là vào năm 1990 anh Năm Hừng được gia đình cho 3.000 mđất để canh tác lúa, nhưng năng suất trồng lúa thời điểm đó chỉ đạt trung bình khoảng 3,5 tấn/ha.

“Hiệu quả từ trồng lúa không cao, đến năm 1995, tôi chuyển sang trồng thanh long ruột trắng từ 3.000 m2đất trồng lúa và 4.000 m2 đất mua thêm. Sau thời gian ngắn thanh long cho thu hoạch, với năng suất đạt trung bình 25 tấn/ha, giá bán dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được từ 100 - 200 triệu đồng/năm”- anh Năm Hừng kể về giai đoạn đầu gắn bó với cây thanh long.

Do giá bán thanh long ruột trắng không ổn định, nên năm 2013 anh Năm Hừng chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ giống LĐ1, với quy mô khoảng 1 ha. Sau khoảng 18 tháng trồng, thanh long ruột đỏ bắt đầu cho trái, năng suất đạt từ 1 - 2 tấn/ha, do thời điểm này anh chủ yếu thu hoạch vụ thuận, không xông đèn.

“Đến năm thứ 3, vườn thanh long ruột đỏ của tôi thu hoạch được 3 đợt (1 đợt vụ thuận và 2 đợt vụ nghịch), với năng suất đạt 20 tấn/ha, giá bán dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được trung bình 400 triệu đồng/ha/năm.

Sau khi thu hoạch xong vụ thanh long ruột đỏ của năm thứ 3, gia đình tôi đã thu hồi được chi phí đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng/ha. Vườn thanh long ruột đỏ đến năm thứ 4 (năm 2017), tôi thu hoạch vụ thuận đạt năng suất 17 tấn/ha, giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được 200 triệu đồng/ha và chuyển sang xử lý nghịch vụ.

Thông thường tôi xử lý thanh long nghịch vụ từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau để bán được giá cao và giá bán thường gấp 2 - 3 lần so với vụ thuận”- anh Năm Hừng cho biết.

Trung tuần tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm vườn thanh long ruột đỏ chuẩn bị thu hoạch của anh Năm Hừng. Tuy giá bán không cao, chỉ hơn 30.000 đồng/kg nhưng bù lại năng suất đạt được khá cao.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng thanh long, anh Năm Hừng cho biết, để thanh long đạt được năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Quản lý vườn thanh long bằng biện pháp tổng hợp để hạn chế sâu bệnh, nhất là bệnh đốm nâu; thường xuyên vệ sinh vườn thanh long: Dọn cỏ, thu gom và tiêu hủy bông, cành bệnh, cành già..; sử dụng phân gà ủ hoai với 10 kg/cây/năm, bổ sung phân hữu cơ vi sinh, bón vôi mỗi năm 1 lần bằng cách rải đều khắp mặt liếp.

“Tôi rất quan tâm đến việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như không bón thừa phân đạm, không sử dụng thuốc ngoài danh mục, nhất là bảo đảm thời gian cách ly trong sử dụng phân, thuốc để trái thanh long được an toàn, bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng”-
anh Năm Hừng chia sẻ.

Gắn bó hàng chục năm, suốt theo chiều dài thăng trầm của cây thanh long trên địa bàn, anh Năm Hừng cho biết, hiện nay xã Quơn Long có trên 800 ha trồng thanh long, là xã có diện tích trồng thanh long lớn nhất của huyện Chợ Gạo. Sau thời gian thực hiện Đề án Phát triển thanh long huyện Chợ Gạo, diện tích trồng thanh long trên toàn huyện đạt hơn 5.000 ha, nông dân cũng được hưởng lợi từ đề án, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ cây thanh long.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm thanh long thời gian qua đôi khi cũng gặp khó khăn, có lúc giá thanh long xuống rất thấp, nông dân không có lãi. “Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ trái thanh long chưa nhiều, do các doanh nghiệp chưa mạnh dạn ký hợp đồng bao tiêu với nông dân. Có lẽ đây cũng là nỗi lo chung của nông dân cũng như của ngành Nông nghiệp”- anh Năm Hừng chia sẻ.

42 năm làm công tác xã hội, từ Ban quản lý ấp đến Bí thư Xã đoàn, đến Chủ tịch Hội Nông dân xã Quơn Long, đến năm 2012 anh Năm Hừng nghỉ hưu và được phân công làm Bí thư Chi bộ ấp Long Thạnh cho đến nay.

Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh Năm Hừng vinh dự được nhận 3 Bằng khen của UBND tỉnh, 3 Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Giấy chứng nhận Nông dân điển hình tiên tiến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp...

Không chỉ tham gia công tác xã hội, làm kinh tế, anh Năm Hừng còn được biết về tài năng văn nghệ thông qua việc sáng tác ca cổ, viết chập cải lương, kịch ngắn, diễn tuồng. Năm 1982, anh đoạt Giải sáng tác tự biên và tiết mục đoạt giải A bài ca cổ “Về lại Tiền Giang” trong Hội diễn Văn nghệ quần chúng Lực lượng vũ trang Tiền Giang.

Năm 1999, anh tham gia Hội thi Tiếng hát Người cao tuổi do Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre tổ chức, với bài ca cổ "Lời người hát rong", đã giúp anh vượt qua gần 200 thí sinh để vào Vòng chung kết xếp hạng và đoạt giải Khuyến khích.

Năm 2006, với chập cải lương “Niềm vui của chú”, anh vừa là tác giả, vừa là diễn viên chính, đã góp phần đưa Đoàn Tiền Giang đoạt giải Nhì tại Liên hoan Câu lạc bộ Nông dân phát triển bền vững khu vực phía Nam. Mới đây, với bài thuyết trình mang chủ đề “Liên kết 4 nhà”, anh Năm Hừng đã đoạt giải Ba toàn tỉnh trong Hội thi “Khuyến nông viên giỏi”.

Năm 2017, anh Năm Hừng làm Đội trưởng Đội Tiền Giang tham gia Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Hà Nội, kết quả Đội Tiền Giang đoạt giải Ba...

Nguồn: http://baoapbac.vn