Áp dụng Nguyên lý Pareto trong tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới

“Muốn được tất cả thì không được gì cả” - Nguyên lý Pareto (hay quy luật 20/80) này được Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan thông tin đến các thành viên Ban chỉ đạo chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt Ban chỉ đạo) tại cuộc họp vào chiều ngày 10/8.

Từ nguyên lý Pareto, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị thành viên Ban chỉ đạo phải chia nhỏ từng mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng một lúc không thể thay đổi được tất cả mà phải lựa chọn và ưu tiên thực hiện.

Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và vận dụng mô hình Làng mới của Hàn Quốc vào xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp; khơi gợi ý thức vươn lên và tạo khí thế xây dựng nông thôn mới trong người dân, đặc biệt là phải có niềm tin đổi mới trong nhân dân.

Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp có quan hệ hữu cơ với nhau và mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập của người dân, muốn tăng thu nhập của người dân thì phải tái cơ cấu nông nghiệp, muốn tái cơ cấu nông nghiệp thì đầu tiên là phát triển kinh tế hợp tác, muốn phát triển kinh tế hợp tác thì phải xây dựng được môi trường nông thôn có sự hợp tác của người dân.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Hùng đề nghị thành viên Ban chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm; đồng thời chỉ đạo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh sơ kết mô hình thực hiện cơ chế nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động; mô hình cộng đồng dân cư tham gia xây dựng nông thôn mới (thí điểm tại xã Mỹ Hội và Tân Thuận Tây).

Đối với tái cơ cấu nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất, nông nghiệp thông minh, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản v.v..

Đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 32 xã đạt 19/19 tiêu chí; 21 xã đạt từ 13 - 15 tiêu chí; 57 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí và 09 xã đạt 8 - 9 tiêu chí. Thành phố Sa Đéc là đơn vị cấp huyện đủ điều kiện xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện cơ chế đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hình thức nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động, đến nay có 04 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 10 công trình đang thi công v.v..

Về thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, 05 ngành hàng chủ lực (lúa gạo, cá tra, vịt, xoài, hoa kiểng) đều có bước phát triển, chuyển dịch đúng theo định hướng Đề án đề ra. Nhiều mô hình sản xuất lúa hiệu quả được thực hiện, giảm giá thành sản xuất; liên kết tiêu thụ xoài và vịt với doanh nghiệp; từng bước phát triển sản xuất hoa kiểng gắn với việc tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hoá, khu sinh thái; lao động tham gia ở khu vực nông – lâm – thuỷ sản giảm v.v..

 

 

Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Đồng Tháp