Bắc Kạn: Phát triển đàn lợn giống Móng Cái thuần ở Bạch Thông

Bắc Kạn: Phát triển đàn lợn giống Móng Cái thuần ở Bạch Thông
Nhằm chủ động về giống, phục vụ cho lĩnh vực chăn nuôi của địa phương, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng đàn lợn thịt. Huyện Bạch Thông đã tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển đàn lợn nái Móng Cái thuần, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ.

Đề án phát triển đàn lợn nái Móng Cái thuần được huyện triển khai từ năm 2012 tại xã Phương Linh, Quân Bình và đơn vị K98 thuộc Bộ CHQS tỉnh đóng trên địa bàn. Ban đầu, để có nguồn giống cung cấp, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức đi khảo sát, tìm hiểu về nguồn gốc con giống ở tỉnh ngoài, sau đó lựa chọn mua 70 con lợn nái và 3 lợn đực. Theo đó, huyện đã cấp 26 lợn nái, 1 lợn đực giống cho xã Phương Linh, 14 lợn nái, 1 lợn đực cho xã Quân Bình và 30 nái, 1 lợn đực cho đơn vị K98. Năm đầu tiên các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 2 triệu đồng/con, hỗ trợ 500.000đồng/lứa đẻ đối với lợn nái móng cái thuần sinh sản mua từ tỉnh ngoài. Đối với những hộ chăn nuôi lợn đực giống Móng Cái thuần được hỗ trợ 100% chi phí mua lợn đực giống, hỗ trợ 4 triệu đồng/con/năm để mua thức ăn bổ sung, hỗ trợ thụ tinh là 150.000đồng/lần phối giống đạt yêu cầu.

Sau một năm từ số lợn cấp ban đầu đã có 53 con nái sinh sản được 317 con. Năm 2013, từ số lợn đã sinh sản, huyện đã bình tuyển được 171 con lợn nái hậu bị đạt tiêu chuẩn làm giống và đã cấp cho các xã Mỹ Thanh, Phương Linh, Cẩm Giàng, Quân Bình, Nguyên Phúc, Ban CHQS huyện với mục đích mở rộng đề án, qua đánh giá số lượng đàn lợn được cấp phát triển khỏe mạnh. Trên cơ sở đó, năm 2014 huyện tiếp tục bình tuyển và mở rộng cung cấp giống cho các địa phương khác trong huyện như thị trấn Phủ Thông, Tân Tiến, Hà Vị, Vi Hương, Cao Sơn, Sỹ Bình. Như vậy, từ chỗ chỉ có 3 đơn vị thực hiện thì đến năm 2014 đề án phát triển đàn lợn nái Móng Cái thuần đã được mở rộng ra 11 xã trên địa bàn huyện. Đến nay số lợn nái mẹ còn 56 con, tổng số lợn con sinh ra là 1.200 con, trong đó có 636 con lợn cái. Năm 2014, huyện đã cấp 369 con cho 283 hộ.

Hộ ông Triệu La Phùng, thôn Nà Búng, xã Quân Bình là một trong 5 hộ tham gia thực hiện đề án. Năm 2012 gia đình ông được cấp 2 con lợn nái và được hỗ trợ 60% giá giống, được tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi cũng như nắm nội dung chương trình của dự án. Ông Phùng cho biết: do đã có kinh nghiệm nuôi lợn nái từ hơn chục năm nay cộng với những kiến thức được tập huấn nên trong quá trình nuôi không gặp khó khăn gì. Lợn giống khi bắt về đã dần thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương nên phát triển ổn định, tỷ lệ sinh sản đạt cao.

Đến nay 2 con lợn nái được cấp ban đầu của gia đình ông Phùng đã sinh sản được từ 2 đến 3 lứa lợn. Lứa đầu và lứa thứ 2 sinh sản được 11 con, lứa thứ 3 được 7 con. Bình quân mỗi lứa gia đình ông thu nhập 20 triệu đồng. Từ khi thực hiện đề án đã tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình và còn tăng thêm nguồn thu nhập.

Quân Bình vốn là địa phương có truyền thông chăn nuôi lợn, tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi người dân vẫn còn hạn chế về nguồn giống đạt tiêu chuẩn, sạch bệnh, thiếu kỹ thuật nên chất lượng đàn lợn không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy, việc tiếp nhận và thực hiện đề án đã giúp cho lĩnh vực chăn nuôi của địa phương phát triển bền vững, hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

Còn tại xã Hà Vị, đây là năm đầu tiên địa phương này được tiếp nhận Đề án chăn nuôi lợn nái Móng Cái thuần. Theo kế hoạch, xã Hà Vị được cấp 60 con lợn giống cho 60 hộ gia đình. Trước đó, để chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai đề án, chính quyền xã đã tổ chức khảo sát, lựa chọn các gia đình phù hợp để tham gia đề án, đồng thời tổ chức lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho 30 hộ dân. Hiện nay, đợt 1 xã đã được cấp 10 con lợn giống cho 10 hộ, tham gia thực hiện đề án mỗi hộ được hỗ trợ 2 triệu đồng/con. Dự kiến sau khi số lợn nái giống sinh sản tốt sẽ tạo nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho các hộ khác trên địa bàn xã, góp phần tăng thu nhập cho các hộ.

Theo đánh giá của phòng chuyên môn, sau hơn hai năm triển khai Đề án trên địa bàn huyện Bạch Thông bước đầu đã đem lại thành công, số lợn bị chết, bị thải loại ít, tỷ lệ lợn nái sinh sản đạt cao. Thành công của đề án đã góp phần tạo ra giống lợn thuần đạt tiêu chuẩn chất lượng để thay thế dần giống lợn pha tạp của địa phương, cung cấp được nguồn giống tại chỗ, sạch bệnh phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện./.

 

Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử