Bắc Ninh: Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi vịt biển lai
- Thứ tư - 31/07/2019 05:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực hiện mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Nuôi vịt biển lai là một trong những mô hình như vậy.
Gia đình anh Nguyễn Văn Long ở thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ là một hộ tiên phong trong thực hiện mô hình nuôi vịt biển lai. Anh Long chia sẻ: “Biết đến giống vịt biển, vịt biển lai từ khá lâu qua các phương tiện thông tin song tôi chưa có điều kiện chăn nuôi. Vì vậy, ngay khi Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Đến nay, việc nuôi vịt biển lai có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các giống vịt khác”.
Theo đó, giống và kỹ thuật nuôi do Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện cung cấp, hướng dẫn, với giá 15.000 đồng/con mới nở, nông dân được hỗ trợ 50% giá giống, 30% thức ăn và vắc-xin tiêm phòng và hóa chất phòng chống dịch bệnh. Sau thời gian nuôi khoảng hơn 2 tháng, bình quân trọng lượng mỗi con vịt đạt khoảng 2,0 - 2,1 kg/con. Do phù hợp với nhu cầu thị trường nên hiện nay loại vịt biển lai có đầu ra khá ổn định; các thương lái bao mua cả đàn mức giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Cùng với tham gia mô hình nuôi vịt biển lai còn có hộ hộ ông Nguyễn Đăng Khánh ở thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo với quy mô nuôi 700 con và hộ ông Nguyễn Đức Tưởng ở thôn Đô Đàn, xã Chi Lăng với đàn nuôi 1.000 con. Quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ đã cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng vắc-xin, xây dựng chuồng trại và hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh theo quy định.
Mô hình nuôi vịt biển lai tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi
Theo ông Nguyễn Đức Tưởng, tham gia mô hình này, điều yên tâm nhất đó là được cán bộ của Trung tâm tận tình hướng dẫn các khâu kỹ thuật từ chuẩn bị thức ăn, chăm sóc, phòng dịch… “Giống vịt biển lai này khá thích nghi với môi trường, dễ nuôi; sức đề kháng cao nên không bị bệnh dịch; thức ăn của vịt biển lai cũng như các giống vịt thông thường nhưng lượng thức ăn tiêu thụ chỉ bằng một nửa, nhờ vậy đã giảm đáng kể chi phí chăn nuôi. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi các giống vịt thông thường nên gia đình tôi sẽ tăng đàn sau khi xuất bán” - ông Tưởng chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Đăng Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ cho biết, vịt biển lai là giống vịt do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi Quốc gia) tạo ra, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống vật nuôi mới; thuộc loại dễ nuôi, sức sống dồi dào, có khả năng thích nghi rộng, chống chịu bệnh tốt, sống được cả ở vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, đầu năm 2019, Trung tâm đã mạnh dạn đề xuất với UBND huyện cho triển khai thí điểm mô hình nuôi vịt biển lai với quy mô 2.500 con tại 03 hộ nông dân. Kết quả triển khai mô hình cho thấy, giống vịt biển lai có khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết, khí hậu khu vực trong huyện, dễ nuôi, có thể nuôi ở nhiều địa hình khác nhau, ít bị bệnh dịch, chi phí chăn nuôi thấp hơn so với các giống vịt thông thường. Thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều đầu mối sẵn sàng bao mua cả đàn nếu đáp ứng đủ nguồn cung cấp. Vì vậy, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi vịt biển và vịt biển lai trên địa bàn huyện trong thời gian tới…
Từ những kết quả bước đầu nói trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề về kỹ thuật nuôi vịt biển lai và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện về vốn vay ưu đãi, con giống, thức ăn, tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao... từ đó, giúp các hộ dân mạnh dạn đăng ký xây dựng các mô hình nuôi vịt biển lai kết hợp với nuôi các giống thủy cầm truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thực tế cho thấy, giống vịt biển lai có thể nuôi theo nhiều phương thức khác nhau: nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chăn thả; nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt. Chất lượng thịt thơm, rắn hơn so với các giống vịt thông thường nên nhu cầu của thị trường đối với vịt biển lai thành phẩm là khá lớn. Thời gian gần đây, nông dân ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội... đã nuôi và nhân rộng giống vịt này. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, mô hình nuôi vịt biển lai tại huyện Quế Võ là mô hình đầu tiên được triển khai. Đây là mô hình rất thiết thực, nếu được nhân rộng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế gia đình, tạo sự ổn định trong chăn nuôi, phát huy tiềm năng sẵn có tại địa phương. Tín hiệu tích cực từ mô hình nuôi vịt biển lai ở Quế Võ là hướng đi mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân gắn với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả./.
Theo Tạ Quang Đạo/http://www.khuyennongvn.gov.vn