Bắc Ninh: Phát triển nuôi cá lồng trên sông

Bắc Ninh: Phát triển nuôi cá lồng trên sông
Nuôi cá lồng trên sông là hướng đi mới có hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh triển khai nhằm góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Hiệu quả mô hình

Sở hữu dòng chảy thuận lợi của sông Đuống, sông Thái Bình, các huyện Lương Tài và Thuận Thành là những địa phương đầu tiên phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông của tỉnh. Với những ưu điểm như cá nuôi ít dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch và tận dụng khai thác tiềm năng mặt nước...

Năm 2013, gia đình anh Đỗ Đăng Năng, thôn Thụy Mão, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành là một trong những hộ đầu tiên được Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh chọn thí điểm để triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh "Nuôi cá lồng trên sông Đuống", với 6 lồng nuôi gồm 2 lồng nuôi cá lăng, 2 lồng nuôi cá chép và 2 lồng nuôi cá điêu hồng… (mỗi lồng nuôi có thể tích 108 m3). Toàn bộ kinh phí đầu tư 120 triệu đồng, trong đó kinh phí đề tài Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ 70%, còn lại là nguồn kinh phí của gia đình.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông đã được nhiều địa phương nhân rộng - Ảnh: Quốc Minh

Anh Năng cho biết: "Nuôi cá lồng trên sông mật độ nuôi lớn hơn, cá ít xảy ra bệnh tật, công quản lý, chăm sóc, thu hoạch thuận tiện hơn nuôi cá trong ao nước tĩnh, cá có tốc độ sinh trưởng nhanh bởi nguồn nước sạch, hàm lượng ôxy cao. Sau hơn 3 tháng nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, chưa có dịch bệnh xảy ra, trọng lượng cá đạt 0,5 - 0,8 kg/con, bước đầu cho thấy mô hình nuôi cá lồng trên sông đem lại hiệu quả kinh tế cao". Từ đó đến nay, anh Năng tiếp tục đầu tư nuôi cá cho hiệu quả cao.

Tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, gia đình ông Bùi Văn Trường cũng mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên sông từ năm 2011, đến nay ông đã có 19 lồng, thả các loại cá điêu hồng, cá lăng, trắm cỏ. Sau một năm thu hoạch đã cung cấp cho thị trường trên 30 tấn cá, trừ chi phí con giống, thức ăn, gia đình ông thu lãi hơn 700 triệu đồng. Ông Trường cho biết: "Ban đầu, việc nuôi cá lồng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư vốn ban đầu cao (20 - 30 triệu đồng/lồng), chọn đối tượng cá để nuôi chưa phù hợp, kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh chưa có. Sau khi đi thăm mô hình nuôi cá trên sông tại tỉnh Hải Dương, học hỏi quy trình kỹ thuật của cán bộ thủy sản và qua quá trình nuôi đúc kết kinh nghiệm, đến giờ cũng thấy dễ dàng, không mất nhiều thời gian. Do tận dụng được môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt cá thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, vì vậy đầu ra của sản phẩm hết sức ổn định, mỗi lồng nuôi cho lãi 42 triệu đồng cho 1 vụ nuôi 5 - 6 tháng".

 

Tránh phát triển nóng

Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi cá lồng ở địa phương, khó khăn lớn nhất của những người mới nuôi là ở kỹ thuật chăm sóc. Trong suốt quá trình nuôi, có những vụ người nuôi thắng lớn khi tỷ lệ cá sống đến 90%, nhưng cũng có những vụ gần như mất trắng vì bệnh dịch. Bên cạnh đó, một số khi mua cá giống ở trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng thức ăn chưa đầy đủ các thành phần cơ bản… làm cá chậm lớn, năng suất kém.

Ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh cho biết, từ những thành công của các hộ nuôi cá lồng trên sông, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp nói chung và Chi cục nói riêng khuyến khích các hộ nuôi theo quy hoạch chung, tránh tình trạng tự phát, phát triển nóng, đảm bảo phát triển theo hướng thâm canh bền vững. Địa điểm nuôi cá phải đảm bảo vệ sinh môi trường và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Chọn cá giống, thức ăn cho cá ở những địa chỉ uy tín. Hiện nay, đầu tư chi phí cho một lồng nuôi có giá tương đối cao, vì vậy việc nhân rộng mô hình đối với các hộ nông dân cũng rất khó khăn. Đây cũng là vấn đề rất cần sự quan tâm hỗ trợ vốn của tỉnh để người nông dân có điều kiện tiếp cận mô hình nuôi cá lồng trên sông trong những năm tiếp theo. 

Hải Linh

Nguồn: thủy sản việt nam