Bắc Ninh: Trồng hành lá mở ra cơ hội phát triển mới ở Gia Bình

Dễ trồng, dễ chăm sóc, thu hoạch không mất nhiều thời gian và có hệ thống bao tiêu sản phẩm với công ty lớn, mô hình trồng hành lá đang được Hội Nông dân huyện Gia Bình triển khai bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
Nông dân xã Cao Đức (Gia Bình) thu hoạch hành lá.
Tất bật thu hoạch lứa hành đầu tiên trên diện tích 2ha của gia đình, ông Nguyễn Văn Lực ở thôn Kênh Phố, xã Cao Đức phấn khởi: “Trước đây, chúng tôi sống chủ yếu nhờ trồng lúa, chỉ trồng hành với số lượng nhỏ để ăn. Khi trồng thử nghiệm hành với diện tích lớn, tôi cũng như bà con đều sợ thời tiết bất lợi, không thể chăm sóc được. Nhưng thực tế là chăm sóc hành không quá khó, thời gian trồng ngắn hơn lúa lại không mất nhiều công chăm sóc và thu hoạch, có công ty thu mua với giá thành ổn định, qua vụ đầu cho thu nhập cao nên chúng tôi rất yên tâm”.

Mô hình trồng và bao tiêu sản phẩm hành lá xuất khẩu được Hội Nông dân huyện Gia Bình phối hợp với Công ty VietRAP (trụ sở tại Hà Nam, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT)  tiến hành từ đầu vụ đông năm 2015 được trồng thí điểm tại hai xã Lãng Ngâm và Cao Đức, với diện tích 5ha. Công ty cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra và xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore làm nguyên liệu hành sấy khô cho nhà máy chế biến mì tôm.

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch và đạt tiêu chuẩn, Công ty VietRAP cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn cho bà con từ công đoạn làm đất, xuống giống đến theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng, sử dụng phân bón chăm sóc... Giống hành ban đầu được lấy từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Theo các cán bộ kỹ thuật thì cây hành rất dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau như đất thịt, đất sét, đất pha cát… và có thể trồng quanh năm, tuy nhiên, nếu trồng vào vụ xuân hiệu quả sẽ còn cao hơn. Hành được trồng sau 40-50 ngày sẽ cho thu hoạch với năng suất bình quân 8 đến 10 tạ/sào, giá bán 5.000 đồng/kg, thu lãi từ 1,5 đến 2 triệu/sào.

Do đặc thù hành là giống mầm và chỉ thu hoạch lá bán nên người dân chỉ cần xuống giống vụ đầu, sau khi cắt lá, để lại củ, tiếp tục chăm sóc, có thể cho thu thêm  từ 2 đến 3 lần sau mà không mất chi phí giống. Tính bình quân nếu một năm thu hoạch từ 6 đến 8 lứa hành, trừ chi phí người dân có thể thu về gần 20 triệu/1 sào hành.

Theo bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình: Với những tín hiệu bước đầu thuận lợi, ngành Nông nghiệp huyện và Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với Công ty VietRAP nhân rộng mô hình trồng hành lá xuất khẩu đến các địa phương khác của huyện nhằm tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp và cải thiện thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như chưa quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, các hộ sản xuất với diện tích nhỏ lẻ, manh mún.

Để đạt được hiệu quả tối ưu từ khâu làm đất, chăm sóc đến việc thu mua thì cần những vùng chuyên canh hoặc những HTX có diện tích sản xuất lớn”. Được biết, trong năm 2016, Công ty VietRAP sẽ cung ứng giống hành bằng hạt nhằm giảm chi phí và tăng năng suất và thu nhập cho người dân. Dự kiến mở rộng thêm 10ha tại các xã lân cận.

 Tuy chỉ mới được thực hiện trong thời gian ngắn, song việc trồng hành lá xuất khẩu đã mang lại những lợi ích thiết thực, mở ra cơ hội phát triển mới cho nông dân sử dụng đất tại địa phương. Đây là mô hình hứa hẹn sẽ mang lại bước phát triển Gia Bình, góp phần xoá đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu, từng bước hoàn thiện các tiêu chí về nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hướng tới xây dựng Nông thôn mới.

Nguồn: báo Bắc Ninh