Bắc Ninh lợi ích kép từ những “hàng cây nông dân”
- Thứ tư - 06/06/2018 19:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lợi ích kép từ những “hàng cây nông dân”
Dẫn chúng tôi đến thăm những con đường liên thôn được đổ bê tông sạch sẽ, rộng rãi với hai bên đường là những hàng bạch đàn cao vút, xanh mát, ông Lê Văn Tường - Chủ tịch Hội ND xã Xuân Lai phấn khởi nói, năm 2012, sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hội ND xã Xuân Lai đã ra quân trồng cây đồng loại trên các tuyến đường có tổng chiều dài hơn 2km, trong đó Chi hội ND Phúc Lai trồng 6.000 cây; Định Mỗ trồng 6.000 cây, các chi hội khác trồng trên 1.000 cây. Cùng với việc được tuyên truyền nâng cao nhận thức, được gắn trách nhiệm với cây, người dân không những đã biết tự chăm sóc, bảo vệ cây của mình mà còn động viên những người xung quanh cùng chăm sóc, bảo vệ hàng cây mới trồng.
Lãnh đạo Hội ND tỉnh Bắc Ninh thăm những con đường rợp bóng cây xanh mát được hình thành từ sáng kiến xây dựng “Hàng cây nông dân” ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình. Ảnh: T.H
"Từ thành công “Hàng cây nông dân” do Hội ND huyện Gia Bình xây dựng, Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã nhân rộng mô hình này đến Hội ND các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2018, Hội ND tỉnh đã phát động Hội ND các cấp tham gia “Tết trồng cây” – Công trình “Hàng cây nông dân” chào mừng Đại hội Hội ND các cấp, nhiệm kỳ 2018 – 2023. Với 60.000 cây xanh được trồng và chăm sóc tốt”. Ông Trần Đăng Sâm – |
“Được chăm sóc tốt nên những “ hàng cây nông dân” có tỷ lệ sống đạt trên 90%. Số cây được trồng từ hơn 5 năm trước hiện đã khép tán, đường kình từ 15-20cm, đã chuẩn bị bước vào thời kỳ cho thu hoạch” - ông Tường thông tin.
Là một trong những hội viên nông dân tích cực tham gia trồng cây, ông Vũ Văn Trường ở thôn Phúc Lai, xã Xuân Lai phấn khởi nói: “Đến nay, hai bên đường hàng cây tỏa bóng xanh mát, nhờ thế cảnh quan thôn xóm đẹp hơn, còn nông dân có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi lao động vất vả, nhất là những lúc nắng nóng. Hiện nay, một số “hàng cây nông dân” đã bước vào thời kỳ thu hoạch và được một số cơ sở chế biến gỗ đã trả giá khoảng 70.000 đồng/cây. Đây sẽ là nguồn thu nhập đáng kể cho hội viên, tuy nhiên theo chủ trương của xã duy trì hàng cây, chúng tôi chỉ thu hoạch tỉa những cây lớn, còn lại để tạo bóng mát, cảnh quan”.
Theo các hộ dân trồng cây ở xã Xuân Lai, bạch đàn là loại cây có thể tái sinh, khi thu hoạch cây sẽ lên những chồi non. Đặc biệt, nếu được chăm sóc tốt và cắt tỉa để lại chồi chính thì chỉ sau vài năm cây lại phát triển, khép tán.
Bà Trần Thị Hoa – Chủ tịch Hội ND huyện Gia Bình cho biết: Ở các xã, thị trấn trong huyện, nông dân đã tự trồng cây ven đường từ cách đó khá lâu; song từ năm 2012, mọi hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây được tiến hành quy củ hơn khi Hội ND huyện chính thức phát động mô hình xây dựng “Hàng cây nông dân” với mục tiêu phủ xanh toàn bộ các tuyến đường giao thông mới được hoàn thành. Mô hình đã được các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể động viên, khích lệ. Các cấp, các ngành trong huyện còn gắn mô hình xây dựng “Hàng cây nông dân” với việc xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.
Lan tỏa những “hàng cây nông dân”
Đến nay, Hội ND dân huyện Gia Bình đã nhân rộng mô hình “Hàng cây nông dân” trên phạm vi toàn huyện, 14/14 xã, thị trấn tham gia với trên 70.000 cây xanh được trồng trên các tuyến đường. Tiêu biểu như: Hội ND xã Song Giang trồng 10.000 cây; Thái Bảo trồng 6.000 cây; Quỳnh Phú 5.000 cây… |
Về cách thức triển khai mô hình “Hàng cây nông dân”, bà Hoa cho biết, ban đầu Hội ND huyện đã chọn xã Xuân Lai làm điểm để nhân rộng trên địa bàn. Theo cơ chế, huyện hỗ trợ cây giống, xã bố trí mặt bằng trồng cây và giao cho các chi hội nông dân thực hiện, thời gian 10 năm, khi thu hoạch xã giữ lại 20%, còn lại 80% do người trồng được hưởng. Các tuyến đường giao thông được lựa chọn là những tuyến đường liên thôn, liên xã, nội đồng. Ngoài ra việc lựa chọn các tuyến đường cũng được Hội ND tính toán để khi cây phát triển cũng không ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Cây trồng được xác định là giống bạch đàn lai. Bởi đây là loại cây lấy gỗ, dễ trồng, phát triển nhanh, có nhiều công dụng trong đời sống, nhất là được sử dụng làm các giàn giáo trong ngành xây dựng.
“Từ năm 2012 đến nay mô hình “Hàng cây nông dân” tiếp tục được duy trì. Mỗi khi một tuyến đường giao thông được nâng cấp, cải tạo các hội viên nông dân lại tận dụng phần lề đường đưa vào trồng cây lấy gỗ, nhờ đó đến nay hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đều được phủ xanh.
Không những thế, từ mô hình “Hàng cây nông dân” đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, phong trào trồng cây nhân dân được lan tỏa rộng khắp, nhiều hội viên đã cải tạo vườn tạp, đưa vào trồng những loại cây ăn quả, cây bóng mát tạo cảnh quan môi trường hài hòa và cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn”- bà Hoa khẳng định.
Quế Võ quyết tâm về đích NTM năm nay
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Quế Võ hiện có 16/20 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó 14 xã được công nhận đạt chuẩn, huyện đạt 7/9 tiêu chí NTM. Với mục tiêu có thêm 4 xã đạt chuẩn, huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí để được công nhận huyện NTM vào cuối năm 2018, Quế Võ đang nỗ lực chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các tiêu chí còn thiếu, quyết tâm về đích đúng kế hoạch.
Lãnh đạo xã Phượng Mao (Quế Võ) tổ chức ra quân phát động thực hiện đảm bảo môi trường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp” trong xây dựng NTM. Ảnh: Đ.T
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng NNPTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo NTM huyện Quế Võ, trong xây NTM, tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất và cũng khó giữ bởi đây là tiêu chí “mềm”, liên quan đến ý thức của mỗi người dân.
Bà Hiền cho biết, đến nay, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt 95%; 85% các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, các làng nghề đổ trực tiếp ra môi trường. Một số cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải như đã cam kết; chưa ký hợp đồng vận chuyển... gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Huyện Quế Võ cũng yêu cầu các xã tổ chức ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường với 100% hộ dân trên địa bàn. Đặc biệt, tổ chức ra quân phát động Ngày Chủ nhật xanh, huy động các đoàn thể, tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động, phong trào như: Hội Phụ nữ thực hiện phong trào “Làng 3 sạch”; Đoàn Thanh niên thực hiện khơi thông dòng chảy, xử lý các cống, rãnh thoát nước, quét dọn đường làng ngõ xóm; Hội Nông dân thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến… Huyện Quế Võ cũng tích cực hỗ trợ các địa phương trên địa bàn đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thu gom, xử lý nước thải nông thôn như: Hệ thống cống rãnh, ao hồ...
Cùng với việc giải quyết vấn đề môi trường, huyện cũng tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ.
Đức Thịnh
Theo Thu Hà/Báo Dân Việt.vn