Bắc Ninh, nỗ lực xây dựng NTM

Những năm qua, Bắc Ninh đã tích cực đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM), được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá là một trong những địa phương có nhiều điểm nổi bật.
Bắc Ninh, nỗ lực xây dựng NTM

Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh Bắc Ninh xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình MTQG XDNTM trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2018?
 

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện tốt phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”; xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP”, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tuyên truyền đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phân loại, thu gom và xử lý chất thải theo quy định, tạo chuyển biến rõ nét về công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp…

Tính đến tháng 6/2018, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh đạt 18,51 tiêu chí/xã (tăng 9,67 tiêu chí/xã so với cuối năm 2010); có 82 xã đạt 19/19 tiêu chí, bằng 84,5% tổng số xã (trong đó 73 xã được công nhận đạt chuẩn NTM); 12 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, bằng 12,4% tổng số xã; còn 3 xã đạt 13 đến 14 tiêu chí, bằng 3,1% tổng số xã; có 2 đơn vị cấp huyện là Tên Du và thị xã Từ Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Riêng 2 huyện kế hoạch đạt chuẩn năm 2018 là Quế Võ và Gia Bình đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM cấp huyện.

Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM được Bắc Ninh quan tâm ra sao, thưa ông?

Toàn tỉnh hiện có 97 xã thực hiện Chương trình XDNTM; sản xuất nông nghiệp được triển khai đồng bộ tại các xã, các địa phương với phương châm sản xuất “cùng giống, cùng trà, khác chủng”, tạo ra nhiều cánh đồng mẫu, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh có quy mô trên 5ha (200 vùng sản xuất lúa, 71 vùng sản xuất rau, màu, 165 vùng nuôi trồng thủy sản... );

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác. Giá trị sản xuất trồng trọt bình quân trên 1ha đất canh tác tăng từ 92,9 triệu đồng (năm 2015) lên 99,2 triệu đồng (năm 2017), cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt (từ 41,8% năm 2015 xuống còn 40,5% năm 2017), tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi – thủy sản (từ 53,2% năm 2015 lên 53,9% năm 2017).

Mô hình sản xuất hợp tác xã, mô hình kinh tế trang trại, đặc biệt là trang trại chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư ngày càng được mở rộng. Đây là định hướng quan trọng cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn; góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 48,8 triệu đồng/năm (309 HTX dịch vụ nông nghiệp, chiếm 68,82%; 140 HTX chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kinh doanh tổng hợp, chiếm 31,18%); có 248 trang trại tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa (153 trang trại chăn nuôi, chiếm 61,69%; 47 trang trại trồng trọt, chiếm 18,95%; 27 trang trại thủy sản, chiếm 10,89%; 21 trang trại tổng hợp, chiếm 8,47%).

Bài toán rác thải sinh hoạt trong tiêu chí 17 được tỉnh giải quyết như thế nào, nhất là tại các xã đạt chuẩn NTM của các huyện Yên Phong, Tiên Du...?

Đến nay, 91/97 xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; trong đó có hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xử lý chất thải rắn chăn nuôi và nước thải chăn nuôi..., góp phần giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Đến nay, 100% số thôn trên địa bàn tỉnh đều có khu tập kết rác thải và thành lập tổ, đội vệ sinh làm công tác thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến điểm tập kết. Trên địa bàn tỉnh đã có các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động như: Công ty THHH Môi trường Hùng Phát (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ) với công suất 200 tấn/ngày, Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành) với công suất 100 tấn/ngày và một số địa phương có lò đốt rác để xử lý tạm thời trong khi chờ khu xử lý rác thải của huyện hoàn thành.

Xin cảm ơn ông!

Bắc Ninh phấn đấu hết năm 2018 có 88 xã đạt chuẩn NTM (tăng thêm 15 xã so với cuối năm 2017); 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (tăng thêm 2 huyện so với cuối năm 2017); số tiêu chí NTM đạt chuẩn bình quân/xã đạt trên 18,6 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 16 tiêu chí.

 

 Văn Hùng - Hoàng Phi/http://kinhtenongthon.vn