Bắc Ninh phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Bắc Ninh phát triển nông nghiệp chất lượng cao
Tại tỉnh Bắc Ninh, khi diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp nhằm gia tăng giá trị nông sản, hướng đến việc phát triển nông nghiệp bền vững...

Trồng dưa lưới Nhật Bản tại trang trại Delcofarm (huyện Thuận Thành).

Những bước đột phá

Bắc Ninh có nhiều lợi thế như: đất đai màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng; cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư; trình độ sản xuất, thâm canh của người dân khá cao; nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… Xác định được thế mạnh này, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ cao (CNC), tích tụ ruộng đất, xây dựng liên kết chuỗi hộ gia đình, trang trại nông - công nghiệp, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp CNC của tỉnh khá đầy đủ, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất.

Ðến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có khoảng 72.430 m2 nhà lưới, 11.000 m2 nhà kính để sản xuất rau, hoa cao cấp; 5.000 m2 sản xuất khoai tây giống nuôi cấy mô; gần 2.000 m2 sản xuất hoa lan nuôi cấy mô; sáu cơ sở sản xuất lúa và rau VietGAP với tổng diện tích khoảng 90 ha.

Thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt gần 8.745 tỷ đồng, là yếu tố quan trọng góp phần mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa giá trị cao, với nhiều vùng chuyên canh và thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Nông nghiệp các địa phương trong tỉnh dần chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng rau xanh đạt 300 triệu đồng/ha/năm ở khu vực thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh và các huyện Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành; vùng hoa cây cảnh đạt hơn 500 triệu đồng/năm tại huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh; vùng hành, tỏi đạt 150 triệu đồng/ha tại hai huyện Gia Bình, Lương Tài; vùng cà rốt đạt 120 triệu đồng/ha tại hai huyện Gia Bình, Lương Tài; vùng khoai tây đạt từ 70 đến 90 triệu đồng/ha tại các huyện Quế Võ, Yên Phong; vùng bí xanh, bí đỏ đạt 60 - 70 triệu đồng/ha tại Lương Tài, Gia Bình.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vùng sản xuất nông sản ứng dụng CNC gồm: năm mô hình lúa theo tiêu chuẩn VietGAP(tổng diện tích 110 ha, cho thu nhập 90 triệu đồng/ha/năm); tám mô hình sản xuất rau, màu, cây ăn quả VietGAP (tổng diện tích 43,65 ha, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm); 23 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính (tổng diện tích khoảng 11,2 ha, cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm)…

Các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng đã được thử nghiệm và ứng dụng đưa vào sản xuất đại trà như giống lúa Thiên ưu 8, Bác ưu 903-KBL, Bắc thơm số 7 KBL, giống ngô NK4300, NK6654, HN88; giống khoai tây mới, cà rốt mới… Ðến nay, diện tích lúa năng suất, chất lượng cao chiếm hơn 50% diện tích gieo cấy. Ðiển hình là mô hình sản xuất rau, bí đỏ tại huyện Gia Bình với quy mô 1,5 ha, mô hình sản xuất măng tây xanh tại huyện Tiên Du quy mô 1 ha và huyện Gia Bình 2 ha, mô hình sản xuất lúa thơm tẻ tại huyện Lương Tài 10ha và tại Quế Võ 10 ha, mô hình lúa nếp thơm tại huyện Yên Phong 50ha.

Song song với sản xuất, hệ thống dịch vụ nông nghiệp cũng đạt những bước phát triển đáng kể cả về lượng lẫn chất. Bên cạnh các hoạt động dịch vụ truyền thống như, thủy nông, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp... hiện nay có thêm các dịch vụ cơ giới hóa như, làm đất, làm mạ, chăm sóc, thu hoạch... Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Ðạo (huyện Thuận Thành) Vương Bá Huyền cho biết: Hợp tác xã đang cung cấp tất cả các dịch vụ cơ giới nông nghiệp từ làm đất đến gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp họ vừa làm nông nghiệp vừa tranh thủ thời gian làm thêm nghề phụ.

Tuy nhiên, nông nghiệp Bắc Ninh vẫn còn một số hạn chế như: diện tích tự nhiên hẹp, đất dành cho nông nghiệp ít và manh mún cho nên khó tích tụ ruộng đất, dẫn đến người muốn đầu tư sản xuất thì không có đất và người có đất lại không muốn đầu tư. Cùng với đó, nông dân vẫn có thói quen sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, kết hợp với tập quán canh tác truyền thống vẫn là phổ biến, vì vậy thường không muốn thay đổi cách làm cũng như đầu tư công nghệ vào sản xuất. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao, cho nên chỉ có những tổ chức, doanh nghiệp mới có điều kiện thực hiện. Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn sạch, an toàn có quy mô chưa đáng kể; chưa hình thành các khu nông nghiệp CNC; sản xuất hàng hóa ở quy mô trang trại hiện chủ yếu mới tập trung trong lĩnh vực chăn nuôi. Các khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển mạnh. Do vậy, nhiều sản phẩm năng suất còn thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định, khả năng cạnh tranh yếu. Ngay cả các sản phẩm có lợi thế của Bắc Ninh như rau, quả, hoa, cây cảnh, thịt lợn, gia cầm... cũng chưa thật sự khẳng định ưu thế trên thị trường.

Nhiều mô hình ứng dụng CNC hiệu quả

Ðến nay, tỉnh Bắc Ninh triển khai thành công nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lai tạo và chọn lọc con giống, tạo ra giống vật nuôi đạt năng suất và chất lượng. Về thủy sản, các cơ sở giống của tỉnh đã ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo và công nghệ sử dụng hoóc-môn chuyển đổi giới tính trong sản xuất giống cá. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận được khoa học - công nghệ tiên tiến. Tổng Giám đốc Công ty CP Ðầu tư xây dựng DELCO - chủ trang trại nông nghiệp CNC DELCOFARM (xã Nguyệt Ðức, huyện Thuận Thành) Lê Khánh Mạnh cho biết: Triển khai xây dựng từ cuối năm 2016 với diện tích 5,8 ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, bao gồm: 2 ha mặt nước nuôi thả cá; hai khu chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô 55 nghìn con; 9.000 m2 nhà kính trồng dưa lưới Nhật Bản; 1.000 m2 nhà kính trồng các loại rau theo phương pháp thủy canh… trang trại được xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn tiên tiến nhất hiện nay của I-xra-en và Nhật Bản. Tất cả hệ thống nuôi trồng được quản lý tự động bằng phần mềm máy tính, hạn chế thấp nhất sức lao động của con người đồng thời bảo đảm chất lượng các sản phẩm ở mức cao, đạt tiêu chuẩn cho phép. Toàn bộ các sản phẩm do trang trại sản xuất đều có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình sản xuất của sản phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết: Hiện nay, Bắc Ninh đang tập trung phát triển nông nghiệp năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ðẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng tích cực các tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới; phát triển nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là thị trường các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thị trường Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; coi nông nghiệp CNC là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Ðể tăng năng suất và chất lượng cây lúa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã khảo nghiệm, bổ sung nhiều giống lúa mới, lựa chọn được những giống lúa năng suất, chất lượng cao và ổn định. Bên cạnh đó, sở còn chuyển giao kỹ thuật xây dựng mô hình đưa các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày có năng suất và chất lượng vượt trội như giống lạc TQ1, đậu tương DT99, giống cà chua BM199, khoai tây Diamant trên đất hai vụ lúa. Việc dồn điền đổi thửa cũng được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong hai khâu làm đất và thu hoạch lúa đạt tới 80% diện tích, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Trượng cho biết: Bắc Ninh sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi thủy sản; trong trồng trọt sẽ phát triển rau, hoa, ổn định trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực; trong chăn nuôi sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Phát triển thủy sản ổn định diện tích nuôi trồng, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất. Mục tiêu của Bắc Ninh trong những năm tới là nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh. Ðồng thời, hình thành và phát triển 35 vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích 641,5 ha.

Theo Phan Thái Sơn/Báo Nhân Dân .vn