Bắc Trà My vượt “vũ môn” trong xây dựng NTM
- Thứ ba - 21/08/2018 19:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhân dịp này, Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn – nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam về những đổi thay trong xây dựng NTM mà địa phương này đạt được.
Sau hơn 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay Bắc Trà My đã đạt được những thành tựu quan trọng gì, thưa ông?
Có thể nói, quá trình xây dựng NTM ở huyện Bắc Trà My đang rất thuận lợi nhờ sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân. Có được điều này là nhờ huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung, hình thức nên được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã vào cuộc, đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức, hành động của cán bộ đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM. Nhờ đó, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được thể hiện, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, khuyến khích, động viên người dân tham gia xây dựng chương trình.
Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của Trung ương, tỉnh và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án năm 2017, các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh được tập trung đầu tư xây dựng ngày một khang trang, như: tiêu chí thuỷ lợi 6.870 triệu đồng (xây dựng 12 đập và 2.500 m kênh bê tông cốt thép); tiêu chí giao thông 79.602 triệu đồng (bê tông hoá 30,7 km và nhiều cầu, cống các loại); tiêu chí trường học 18.545 triệu đồng (nâng cấp và sửa chữa 12 trường học), tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá 16.462 triệu đồng (2 trung tâm văn hoá xã và 4 nhà văn hoá và khu thể thao thôn, 2 khu thể thao xã).
Đến nay, 12/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Trà My đã hoàn thành công bố quy hoạch xây dựng NTM, có 2 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM là Trà Dương và Trà Tân.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua Bắc Trà My đã có những cơ chế khuyến khích gì giúp nông dân phát triển kinh tế, thưa ông?
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chúng tôi còn chú trọng đến phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất năm 2017 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 876 tỉ đồng, trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 309 tỉ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng 218 tỉ đồng, ngành dịch vụ 347 tỉ đồng.
Năm 2017, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có sự tăng trưởng cao cả về sản lượng và giá trị, nguyên nhân tăng do sản xuất nông nghiệp được mùa và khai thác lâm sản phụ (chủ yếu là keo nguyên liệu). Tổng diện tích sản xuất cây lương thực có hạt của huyện đạt 2.482,4 ha, tổng sản lượng 8.611 tấn, đạt 100,97% so với năm 2016 (8.526,9 tấn). Diện tích cây công nghiệp (sản xuất lạc) đạt 118,3ha, năng suất bình quân 15,3 tạ/ha, sản lượng 180,99 tấn; diện tích vừng 79,6ha, năng suất bình quân 10,5 tạ/ha, sản lượng đạt 83,58 tấn…
Trong năm 2017 - 2018, huyện tiếp tục chăm sóc diện tích rừng cao su đã trồng qua các năm. Trong đó, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang (Quảng Nam) 1.022,44ha tại xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka; Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam 795,47ha tại xã Trà Nú, Trà Tân, Trà Đốc.
Hỗ trợ cho nông dân nhiều dụng cụ sản xuất và giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng.
Rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất, xác định sản phẩm chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Hiện, đã có 13/13 xã triển khai lập đề án phát triển sản xuất tăng thu nhập, cuối năm 2017 hoàn thành việc phê duyệt đề án phát triển sản xuất tăng thu nhập cấp huyện.
Trên cơ sở Nghị quyết của Huyện uỷ cùng với các chính sách về phát triển sản xuất đối với ngành nông nghiệp của Trung ương và của tỉnh, huyện đã xây dựng các mô hình phát triển sản xuất như: Nuôi bò sinh sản, trồng ổi, phát triển kinh tế vườn,…Hầu hết các mô hình đã phát huy hiệu quả.
Ông có thể nói rõ hơn định hướng của Bắc Trà My trong năm 2018 và những năm tiếp theo để hoàn thành chương trình xây dựng NTM?
Năm 2018 và những năm tiếp theo, huyện Bắc Trà My tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hoàn chỉnh theo chuẩn NTM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; dân chủ được phát huy.
Tuy nhiên, huyện Bắc Trà My còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong thời gian tới, để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, riêng đối với 2 xã Trà Dương và Trà Tân đã đạt chuẩn, huyện tiếp tục đầu tư để nâng chất các tiêu chí, 10 xã còn lại không còn xã nào đạt dưới 8 tiêu chí vào năm 2020.
Huyện đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ các nguồn lực để huyện triển khai tốt các tiêu chí, nhất là đối với các xã điểm đăng ký đạt chuẩn theo lộ trình, đề án được phê duyệt.
Cần có sự hướng dẫn rõ hơn về công tác thẩm tra, thẩm định các danh mục đầu tư hỗ trợ thuộc chương trình theo cơ chế đầu tư đặc thù, sự linh động trong việc áp dụng các thiết kế mẫu đã ban hành. Mở các lớp tập huấn, rà soát đánh giá tiêu chí NTM, ưu tiên cho các huyện miền núi, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho cán bộ theo dõi nông thôn mới cấp huyện và cấp xã.
Theo P.V/Báo TTV.vn