Bám đất, bám làng trở thành tỷ phú
- Thứ hai - 03/04/2017 04:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ĐẤT KHÔNG PHỤ CÔNG NGƯỜI
Cũng như nhiều địa phương khác ở vùng nam thị xã Ba Đồn, xã Quảng Lộc, quê hương của anh Nguyễn Văn Hùng do có địa thế khá thấp trũng, lại nằm sát sông Gianh hàng năm thường bị ngập lụt, người nông dân ở đây vốn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cho nên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, để bắt tay vào khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Hùng đã chọn cho mình một hướng đi phù hợp, đó là xây dựng mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn trên địa bàn.
Nhận thấy diện tích đất đai trong vùng còn nhiều, năm 1992 được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Nguyễn Văn Hùng đã quyết định thuê lại 2.650 m2 đất hoang, sản xuất lúa không hiệu quả nằm xa khu dân cư để xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.
Sau khi nghiên cứu quy luật ngập lụt hàng năm của vùng đất nơi mình xây dựng xưởng sản xuất, năm 2002, từ nguồn vốn tích lũy trong quá trình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, cũng như vay mượn thêm từ bạn bè, người thân, gia đình anh đã xây dựng thêm 300 m2 chuồng trại để phát triển nghề chăn nuôi lợn. Từ năm 2002 đến năm 2012, bình quân mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa gia đình anh thả nuôi trên 200 con lợn siêu nạc để xuất ra thị trường.
Cùng với công việc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chăn nuôi lợn siêu nạc, nhận thấy lĩnh vực xây dựng trên địa bàn khá lớn, năm 2005, anh đã mạnh dạn đầu tư 750 triệu đồng xây dựng khu nhà xưởng rộng 700 m2, mua sắm 02 máy đóng gạch và xe vận chuyển để sản xuất các loại gạch không nung, cũng như nhận thầu xây dựng thêm các công trình nhà ở, trường học, trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, để tăng thêm thu nhập. Bình quân, mỗi năm cơ sở của gia đình anh Hùng sản xuất được trên 1,4 triệu viên gạch, đưa về nguồn thu nhập khoảng 1,7 tỷ đồng/năm.
Sinh sống ở vùng quê nông nghiệp, thường xuyên bị thiên tai lũ lụt tàn phá, anh Nguyễn Văn Hùng rất thấu hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của người nông dân ở quê anh, khi có mặt hàng, mà nhất là sản phẩm ớt quả sản xuất ra lại bị tư thương ép giá, tiêu thụ rất khó khăn, năm 2007 anh đã mạnh dạn liên hệ và ký kết hợp đồng với Công ty Rau quả Hải Dương (tỉnh Hải Dương) để bao tiêu sản phẩm cho người trồng ớt trong vùng nam Ba Đồn và một số vùng ở các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch.
Bên cạnh việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản phẩm ớt cho người dân trong vùng, anh còn mạnh dạn vận động các hộ nông dân trong xã Quảng Lộc tăng diện tích trồng ớt từ 20 ha lên 50 ha. Để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng, anh đã chủ động nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả các biện pháp sơ chế ớt tại chỗ, được doanh nghiệp đối tác đánh giá cao. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở của anh Nguyễn Văn Hùng đã thu mua, tiêu thụ được khoảng 1.600 tấn ớt, mang lại cho người trồng ớt tiền tỷ để cải thiện kinh tế.
Bằng quyết tâm vượt khó, bằng cái tâm của một người nông dân từng đi lên từ nghèo khó và bằng những hướng đi phù hợp khi xác định các hướng làm ăn trên chính mảnh đất quê mình, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm bình quân gia đình anh Nguyễn Văn Hùng đã có nguồn thu nhập từ 3,5 - 4 tỷ đồng, sau khi đã trừ toàn bộ chi phí, còn lãi được từ 300 - 400 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở những thành công đã có, hiện nay anh Nguyễn Văn Hùng đang tiếp tục lập dự án để chuẩn bị xây dựng mô hình chăn nuôi bò với quy mô lớn để khắc phục những khó khăn do lũ lụt hàng năm mang lại, cũng như tạo thêm việc làm cho nhiều người và tăng thêm thu nhập cho gia đình.
NGƯỜI NÔNG DÂN TIÊU BIỂU
Không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho gia đình, hàng năm mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sản xuất gạch không nung, chăn nuôi lợn và tiêu thụ ớt của anh Nguyễn Văn Hùng đã giải quyết việc làm cho 18 lao động trên địa bàn, trong đó đa số là phụ nữ, với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các hoạt động thầu khoán xây dựng của anh cũng giải quyết việc làm cho hàng chục lao động và tạo việc làm mùa vụ cho khoảng 30 lao động trong vùng với mức thu nhập cũng khá cao.
Vừa trực tiếp tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động trong vùng, bình quân mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng còn cho các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng vay mượn 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Nhờ đó, đến nay có 7 hộ được anh giúp đỡ đã thực sự thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống khấm khá.
Là một hội viên nông dân, anh Nguyễn Văn Hùng cũng đã có rất nhiều đóng góp đối với các hoạt động của tổ chức Hội Nông dân xã Quảng Lộc nói riêng, của xã Quảng Lộc và thị xã Ba Đồn nói chung. Hàng năm, trích từ nguồn thu nhập của gia đình, anh đã đóng góp cho địa phương 10 triệu đồng để tham gia xây dựng nông thôn mới và đóng góp bình quân 1 triệu đồng để xây dựng “Quỹ Hỗ trợ nông dân”,…
Với những thành tích đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu ngay chính tại mảnh đất quê hương, cũng như có nhiều đóng góp đối với các phong trào hoạt động của địa phương và của Hội Nông dân, trong các năm 2005, 2012, 2014 và 2015, anh Nguyễn Văn Hùng đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen. Nhiều năm liền, anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và cấp tỉnh. Hiện nay, anh đang được Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng ba.
Hà Trương/khuyennongvn.gov.vn