Bảo vệ môi trường từ chăn nuôi khép kín

Phát triển chăn nuôi càng mạnh, môi trường càng bị đe dọa, nếu không có biện pháp sản xuất phù hợp. Để hạn chế chất thải chăn nuôi tác động tiêu cực đến môi trường mà vẫn gia tăng lợi ích kinh tế, HTX Hợp Thịnh (Cao Lộc, Lạng Sơn) đã thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín kết hợp với trồng trọt.

HTX Hợp Thịnh đang phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa và lợn giống. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các tổ hợp tác và HTX khác trồng các loại cây dược liệu xuất bán cho công ty chế biến trà và dược liệu.

Khoa học và đầu tư

Trong chăn nuôi lợn, HTX đã đầu tư trang trại có hệ thống máng ăn, vòi nước uống và tường làm mát tự động… Diện tích gần 5 ha được HTX chia làm nhiều khu chăn nuôi khác nhau, bố trí một cách khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi của đàn lợn. Trại lợn được phân thành khu chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn con và sau cùng là khu nuôi lợn thịt.

Chuồng trại được xây dựng mát mẻ, thông thoáng và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, phun hóa chất khử trùng tiêu độc, cách ly với môi trường xung quanh. Đến nay, HTX đã thay đường ống cấp nước cho giàn tường làm mát bằng các vòi phun nước dạng sương, giúp tiết kiệm được 80% nhu cầu điện năng làm mát chuồng lợn so với kỹ thuật phổ biến hiện hành. HTX cũng thực hiện đồng bộ hệ thống chiếu sáng bởi bóng đèn Led trong các hoạt động chăn nuôi, nhằm tiết kiệm nguồn điện một cách tối đa.

Đặc biệt, trại nuôi không có mùi hôi đặc trưng của một trại lợn chăn nuôi theo kiểu truyền thống, cũng không có ruồi nhặng và côn trùng. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, HTX đã đầu tư lắp đặt hệ thống biogas phục vụ sản xuất.

Theo Ban Giám đốc HTX, do lượng chất thải lớn nên HTX phải xử lý bằng hầm biogas thay cho cách ủ phân thủ công. Việc này rất cần thiết vì vừa tiết kiệm vừa giúp môi trường không bị ô nhiễm. Đặc biệt hệ thống hầm biogas còn giúp HTX xử lý chất thải, nước thải một cách khoa học, tạo nguồn phân hữu cơ cung cấp cho quá trình trồng trọt.

Nhờ nguồn phân lớn, trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 500 tấn phân hữu cơ phục vụ quá trình trồng trọt của các thành viên và các hộ dân trong và ngoài địa phương.

Bên cạnh đó, phế phẩm từ chăn nuôi lợn sẽ được HTX tận dụng nuôi cá trạch xuất khẩu cũng như các loại cá thông thường khác phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

chan-nuoi-khep-kin-4129-1542467203.jpg

Giám đốc Lý Bích Linh kiểm tra đàn lợn nái sinh sản

Sản xuất khép kín

Trong lĩnh vực trồng cây dược liệu, HTX liên kết với các tổ hợp tác, HTX khác trồng 5 loại cây như: hoàn ngọc, cà gai leo, nghệ đen, đinh lăng, hà thủ ô đỏ với diện tích trên 40 ha tại 5 huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn.

Hiện, có 600 hộ dân tham gia mô hình sản xuất này. Năm 2017, HTX đã thu được 100 tấn dược liệu các loại, cung ứng cho các công ty dược phẩm và công ty chế biến trà.

Sau nhiều năm hoạt động, mô hình sản xuất kinh doanh của HTX đã tương đối khép kín và đem lại hiệu quả. Đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư cho sản xuất của HTX đạt 43 tỷ đồng.

Mô hình sản xuất của HTX duy trì việc làm ổn định cho 35 lao động trực tiếp, với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động thời vụ khi tham gia vào chuỗi liên kết trồng dược liệu.

Mô hình trồng cây dược liệu trên quy mô lớn góp phần vào việc bảo tồn, phát triển bền vững nguồn dược liệu, đáp ứng kịp thời nguồn dược liệu chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến.

Bà Lý Bích Linh - Giám đốc HTX, cho biết thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX tiếp tục khai thác thế mạnh, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, vừa bảo đảm chất lượng vừa mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường.

Như Yến/https://thoibaokinhdoanh.vn